Đại sứ Việt Nam tiết lộ trở ngại lớn nhất trước khi Trump đến Hà Nội

Sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Trump ở Hà Nội năm ngoái là một bất ngờ với nhiều người, do Washington băn khoăn về lịch trình quá bận rộn.
Sputnik

Tổng thống Mỹ chiều ngày 11/11/2017 lên chuyên cơ từ sân bay Đà Nẵng để đi Hà Nội, ngay sau khi kết thúc phiên làm việc cuối cùng của Hội nghị Cấp cao APEC. Đoàn xe của ông Trump di chuyển về trung tâm Hà Nội khi trời đã nhá nhem tối. Ngay cả những người theo dõi từ xa cũng có thể cảm nhận được sự gấp gáp của chương trình, vì sau đó Tổng thống Mỹ sẽ đến Philippines dự Cấp cao ASEAN.

Ngoại giao Việt Nam rất thông minh và khôn khéo

"Lịch trình rất sát sao là băn khoăn lớn nhất của phía Mỹ. Chuyến đi của ông Trump là chuyến đi nước ngoài dài ngày nhất với một Tổng thống Mỹ trong hơn 25 năm, một chuyến thăm vốn lâu nay phải được chia thành hai đợt", Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh chia sẻ về hậu trường chuyến thăm năm ngoái.

Tổng thống Mỹ đã có chuyến đi đến châu Á kéo dài từ ngày 3/11 đến 14/11/2017.

"Tôi nói như vậy để các bạn có thể thấy cái khó trong việc thu xếp thời gian và hậu cần để Tổng thống Trump vừa dự APEC ở Đà Nẵng, vừa thăm song phương tại Hà Nội", ông Vinh cho hay. Bất chấp trở ngại này, Việt Nam và Mỹ đã kiên trì bàn bạc và Tổng thống Mỹ đã thăm cả hai thành phố Đà Nẵng và Hà Nội.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lên đường ra Hà Nội

Quan hệ Việt- Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ như thế nào?
Ngay khi kết thúc chuyến đi, ông Trump đã đăng trên Twitter lời cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cho hay "đã có một chuyến thăm Việt Nam tuyệt vời".

Là người trực tiếp tổ chức công tác chuẩn bị từ Washington, Đại sứ Vinh đánh giá nhân tố giúp Việt Nam và Mỹ hoàn tất được kế hoạch đầy tham vọng đó chính là đà quan hệ giữa hai nước.

"Mỹ hiểu vị thế của Việt Nam và Washington có lợi ích ở châu Á — Thái Bình Dương. Lợi ích song trùng đã giúp hai bên vượt qua được trở ngại của các vấn đề kỹ thuật và thời gian", ông Vinh nhấn mạnh.

Theo Đại sứ, việc Tổng thống Mỹ dự APEC ở Đà Nẵng là kết quả của một quá trình mà Việt Nam và Mỹ bàn bạc từ khi Mỹ có chính quyền mới hồi đầu năm 2017. Sau bầu cử tổng thống 2016, Washington đã có nhiều thay đổi, rút khỏi Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đề cao hợp tác song phương hơn đa phương. Khi đó, Việt Nam đã tham vấn với các nước thành viên APEC với tư cách nước chủ nhà APEC, nhấn mạnh rằng sự tham gia của Mỹ là yếu tố quan trọng giúp Cấp cao APEC thành công.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, phải, trao đổi với Tổng thống Mỹ Trump.

Trước đó, các nước đều băn khoăn, không rõ hệ lụy sẽ ra sao khi Tổng thống Trump có những điều chỉnh căn bản cả về đối nội và đối ngoại. Khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" trở thành quốc sách. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chủ động kết nối, cùng trao đổi để nêu rõ những lợi ích chung, xử lý các vấn đề nảy sinh, giúp tạo đà mới cho quan hệ với Mỹ, mở rộng khuôn khổ hợp tác giữa hai nước.

"Ông Trump rất tượng về nội dung các cuộc hội đàm và lòng hiếu khách của lãnh đạo cũng như người dân Việt Nam. Đó cũng là điều được quan tâm kỹ trong việc chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao", Đại sứ Vinh nói.

So sánh chuyến thăm của Tổng thống Trump năm ngoái và của người tiền nhiệm Barack Obama đến Việt Nam năm 2016, ông Vinh cho rằng điều đáng chú ý nhất là cả Việt Nam và Mỹ đã có sự chuẩn bị chu đáo, mang lại sự hài lòng cho cả hai bên. Ông Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, một tàn dư còn lại của thời chiến tranh khi có mặt ở Hà Nội. 

Chưa khi nào hai tổng thống Mỹ lại thăm Việt Nam liên tiếp như dịp này. Trước đó, Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã lần đầu thăm Mỹ hồi tháng 7/2015, được đánh giá là một sự kiện lịch sử. Chuyến thăm giúp khẳng định các nguyên tắc của hai bên, nhất là việc tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Đến tháng 5/2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trở thành lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á đến thăm Mỹ khi nước này có chính quyền mới.

"Việt Nam và Mỹ vẫn tiếp tục đà phát triển, ngay cả trong những hoàn cảnh khác nhau. Khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, của Quốc hội Mỹ", ông Vinh khẳng định.

Việt Nam là một "con rồng châu Á" mới và lời mời chào tên lửa Patriot của Donald Trump
Nói về định hướng hợp tác sắp tới, Đại sứ Việt Nam cho hay hai bên sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển quan hệ đã đạt được, chú trọng triển khai các thỏa thuận cấp cao. Ông lưu ý vẫn còn những vấn đề phải giải quyết trong bối cảnh Mỹ đã và đang điều chỉnh chính sách với khu vực, Việt Nam cần có cách tiếp cận bảo đảm lợi ích của cả hai bên trước các vấn đề còn tồn đọng hay nảy sinh. Hà Nội cũng cần tiếp tục tranh thủ quan hệ các kênh, kể cả chính quyền, quốc hội, doanh nghiệp Mỹ để thúc đẩy khuôn khổ Đối tác Toàn diện. 

Ở Biển Đông, Mỹ đã tái khẳng định các nguyên tắc chung, cho rằng đây là mối quan tâm chung của các nước. Các nước cùng chia sẻ quan điểm phải bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hoà bình các tranh chấp, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Dù trong quá trình điều chỉnh và định hình chính sách, chính quyền của Tổng thống Trump vẫn khẳng định tiếp tục gắn kết lợi ích với châu Á — Thái Bình Dương.

Nhìn lại khoảng thời gian làm đại diện của Việt Nam ở Mỹ, với 4 chuyến thăm cấp cao của hai bên, Đại sứ cho biết đó là một nhiệm kỳ rất có ý nghĩa và may mắn với bất kỳ một vị đại sứ nào.

"Nó sẽ mãi là những ngày tháng đáng ghi nhớ của tôi khi được góp một phần của mình trong thúc đẩy quan hệ Việt — Mỹ", ông Vinh nói.

Nguồn: VnExpress

Thảo luận