APEC 2017- Sự kiện đối ngoại quan trọng nhất năm 2017 của Việt Nam
Dấu ấn nổi bật nhất của Việt Nam tại Năm APEC 2017 chính là việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ 25 của APEC (APEC 25) và Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại TP Đà Nẵng từ ngày 6/11/2017 đến 11/11/2017, với chủ đề "Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung"; và đặc biệt là việc Hội nghị cấp cao APEC 25 thông qua "Tuyên bố Đà Nẵng" về tạo động lực mới vun đắp tương lai chung.
Cũng trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017, nhiều sự kiện quan trọng được tổ chức như Hội nghị tổng kết Các quan chức cấp cao APEC (CSOM), Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh (VBS), Cuộc họp của Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao — Kinh tế (AMM), Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit)…
Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam là một trong những sự kiện ngoại giao, kinh tế lớn nhất của đất nước. Đây cũng lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức APEC, cho thấy sự năng động, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được coi trọng trên các diễn đàn quốc tế. Đồng thời, APEC 2017 còn là cơ hội quý báu để Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình hợp tác của khu vực; là dịp để Việt Nam khẳng định đường lối đối thoại đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng..
Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN
Tại Việt Nam, ngày 8/8/2017, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ thượng cờ ASEAN tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN và 22 năm ngày Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.
Năm 2017 cũng đánh dấu một năm triển khai Cộng đồng ASEAN. Sự hình thành Cộng đồng ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì sự kiện này đánh dấu chặng đường hơn 20 năm Việt Nam tham gia ASEAN và hội nhập quốc tế. ASEAN luôn là một trụ cột — ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Thành công của ASEAN hơn một năm qua có sự đóng góp đáng kể của Việt Nam, thể hiện trong hầu hết các hoạt động hợp tác ASEAN, nhất là góp phần quan trọng vào việc sớm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Năm 2017 đánh dấu 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc
Dự và phát biểu tại lễ Kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ tổ chức tại Trụ sở LHQ (New York), trước sự chứng kiến của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Peter Thompson, các quan chức cấp cao của LHQ và các Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn các nước tại New York, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ tăng cường quy mô tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, nỗ lực đưa sáng kiến "Thống nhất hành động" của LHQ tại Việt Nam lên một giai đoạn phát triển mới. Thủ tướng mong muốn các nước ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và nhấn mạnh cam kết của Việt Nam tích cực đóng góp vào việc thực hiện các sứ mệnh cao cả của LHQ.
Việt Nam tổ chức Đối thoại không chính thức lần đầu tiên giữa APEC và ASEAN
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và ASEAN hoan nghênh sáng kiến tổ chức Đối thoại của Việt Nam, coi đây là minh chứng sống động cho ý chí và quyết tâm chính trị của các thành viên hai cơ chế trong xây dựng một châu Á — Thái Bình Dương kết nối toàn diện, vì hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Cuộc Đối thoại giữa APEC và ASEAN có ý nghĩa đặc biệt khi APEC chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư và đang tích cực xây dựng tầm nhìn sau 2020; trong khi đó năm 2017 cũng là năm ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập và đang nỗ lực hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Kỷ niệm trọng thể 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga
Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra con đường giải phóng dân tộc và khởi đầu sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và toàn diện của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam. Với ý nghĩa đó, Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 — 7/11/2017) được xem là ngày lễ lớn và là sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2017 của đất nước ta với nhiều hoạt động lớn diễn ra trên địa bàn TP Hà Nội.
Đặc biệt tại lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: "Với tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga, tinh thần Cách mạng Tháng Tám và ý chí Việt Nam, với quyết tâm mới, khí thế mới, sức sống mới, với niềm tin son sắt vào sức mạnh, ý chí của toàn Đảng, toàn dân tộc, vào tương lai tươi sáng của đất nước, tin tưởng chắc chắn rằng, nhất định sẽ thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội".
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Tập Cận Bình sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là lần thăm viếng cấp cao thứ ba giữa hai nước trong năm 2017 sau hai chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Việt Nam
Tại Việt Nam, trong 3 ngày lưu lại dải đất hình chữ S xinh đẹp, Tổng thống Donald Trump trải qua lịch trình làm việc dày đặc với các cuộc họp tại Hội nghị cấp cao APEC 2017 và chuyến thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 10-11/11/2017 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Trump diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác toàn diện Việt — Mỹ tiếp tục phát triển tích cực. Ông Trump cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam ở năm đầu nhiệm kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng
Ngày 31/5/2017 (giờ Washington), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên ở ASEAN và thứ ba ở Đông Á gặp gỡ Tổng thống Trump tại tòa Bạch Ốc.
Đặc biệt, bên lề chuyến thăm chính thức nước Mỹ, tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
ASEAN thông qua Dự thảo khung COC; đạt CPTPP thay thế cho TPP
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 diễn ra ngày 5/8/2017 tại Manila, Philippines, Ngoại trưởng các nước ASEAN nhất trí về Dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Chia sẻ với báo giới bên lề sự kiện khi đó, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết, ASEAN sẽ thúc đẩy để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử.
Ý tưởng về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) được ASEAN và Trung Quốc đưa ra thảo luận từ năm 2002. COC được kỳ vọng sẽ quy định cụ thể các nguyên tắc và trách nhiệm pháp lý của các bên trong các hoạt động trên Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Trước đó, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thông qua năm 2002 giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc, tuy nhiên văn bản này không có tính ràng buộc pháp lý.
Trong khi đó, bên lề Hội nghị cấp cao APEC 25 tại Đà Nẵng, ngày 11/11/2017, các Bộ trưởng Thương mại 11 quốc gia ở khu vực châu Á — Thái Bình Dương đã họp không chính thức và đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về những nội dung lớn của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, các Bộ trưởng thống nhất đạt được Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm thay thế cho TPP. Nhiều nhà phân tích hy vọng CPTPP sẽ sớm được thực thi trước khi có thể mở cửa đón thêm một số nền kinh tế tiềm năng khác, trong đó có Hàn Quốc.
Việt Nam ghi đậm dấu ấn trong ngoại giao văn hóa
Tại kỳ họp lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO được tổ chức tại Hàn Quốc, hai di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là Hát nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam và Hát xoan Phú Thọ đã được vinh danh với sự đồng thuận cao từ các quốc gia thành viên, để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây thực sự là niềm tự hào của di sản Việt Nam.
Không chỉ có vậy, Hát xoan còn là Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên ở Việt Nam, cũng là đầu tiên trên thế giớiđược đệ trình UNESCO đề nghị đưa khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, đồng thời là trường hợp duy nhất trong lịch sử không phải xếp hàng theo lộ trình để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đặc biệt tại khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 201 đã tiến hành phỏng vấn 9 ứng cử viên cho chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021, trong đó có ứng cử viên của Việt Nam là Đại sứ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu.
Nguồn: Báo Công Lý