Kể từ đó, tư tưởng thi đua ái quốc của Người đã trở thành phong trào cách mạng của quần chúng, là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta liên tục giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Các phong trào thi đua trong thời gian qua đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", gắn với thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Với tinh thần "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" của phong trào thi đua toàn quốc giai đoạn 2016 — 2020, các ngành, các cấp đều hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, có tác động lan toả rộng khắp, liên tục trên tất cả các lĩnh vực.
Tiêu biểu là các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Dạy tốt, học tốt"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc", "Vì Trường Sa, Hoàng Sa", "Dân vận khéo"; đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo — Không để ai bị bỏ lại phía sau"… đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm triển khai tích cực, được sự hưởng ứng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều cần phân tích sâu hơn là, đằng sau những gương điển hình tiên tiến, đằng sau những việc làm tốt là những tấm lòng yêu nước, yêu chế độ, trọng nghĩa tình, tương thân tương ái với đồng bào, đồng chí và đồng đội; là quyết tâm làm giàu cho mình và cho quê hương, đất nước; là ý chí vươn lên nắm lấy những hiểu biết mới về khoa học và công nghệ để lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Chúng ta thật sự xúc động và biết ơn những tấm gương sáng đã hết lòng vì cộng đồng, quan tâm đến những người có hoàn cảnh éo le, khó khăn. Chúng ta vui mừng khi nghe thành tích dạy và học của các thày giáo, cô giáo và các em học sinh; những gương của cán bộ, đảng viên, của các công chức, viên chức, trí thức, công nhân, nông dân, doanh nhân, của cựu chiến binh, lực lượng vũ trang… đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, ngày đêm lao động cần cù, sáng tạo, dám hy sinh, góp phần công sức của mình vì sự giàu mạnh, bình yên của quê hương, đất nước.
Giành được danh hiệu, giành được sự kính trọng và lòng yêu mến đã khó, nhưng giữ được danh hiệu, giữ được lòng yêu mến còn khó hơn rất nhiều. Đây mới chỉ là kết quả của những cố gắng ban đầu, chặng đường sắp tới còn dài, còn gian nan lắm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Nếu là người lao động bình thường thì hết lòng, hết sức tận tuỵ để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, đóng góp được nhiều nhất.
Thêm mỗi việc làm tốt, mỗi nghĩa cử cao đẹp là thiết thực góp phần xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp trong xã hội ta, góp phần làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017. Đầu đề do tòa soạn đặt)
TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Nguồn: Lao Động