— Trong những năm vừa qua, khi đối diện với sự tha hóa của hàng loạt cán bộ từ thấp đến cao, càng tha hóa thì càng trở nên giàu có, ông có bao giờ tự hỏi, điều gì trong hệ thống của chúng ta đã biến họ thành những con người như thế?
+ Chính tôi cũng tự hỏi điều tương tự.
Năm xưa, nếu anh là đảng viên thì đồng nghĩa với việc anh sẽ dễ bị bỏ tù. Nếu anh là Ủy viên TƯ thì giặc sẽ tìm cả gia đình anh để giết. Vào Đảng ngày ấy là gắn liền với sự hi sinh chứ không có lợi ích. Nên những người đảng viên ngày ấy là những người vì lý tưởng mà dâng hiến.
Bây giờ thì khác! Muốn có vị trí trong bộ máy, anh nhất định phải là đảng viên. Muốn là Bộ trưởng thì phải trở thành Ủy viên TƯ… Vào Đảng bây giờ đi kèm với quyền lực và lợi ích. Cho nên khi mà quy trình chọn lọc của chúng ta không minh bạch và chính xác thì Đảng bây giờ đang ngày càng chứa trong mình những thành phần cơ hội. Mà những thành phần cơ hội đó càng leo cao thì càng gây hại cho đất nước.
Bao nhiêu người có thể đứng vững ở vị trí quyền lực cao mà luôn trong sáng, không vụ lợi nếu như không chịu sự giám sát?
Chứ còn trong một tổ chức mà càng lên cao càng quyền lực, quyền lợi càng lớn, những người cơ hội sẽ chui vào, chứ không phải những người làm việc cho đất nước, vậy mà chúng ta không có cơ chế để phản bác về tư cách của những con người đó và lấy ý kiến của quần chúng rất hời hợt thì việc phê và tự phê sẽ hoàn toàn chỉ là hình thức. Sâu mọt trong Đảng sinh ra từ đó.
— 5 năm trước, TBT nói rằng đang có sự sâu mọt, thoái hóa, làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Ngày hôm nay, khi theo dõi một cuộc chiến rất quyết liệt mà TBT là người khởi xướng và lãnh đạo để chống lại tham ô, tham nhũng và sự tha hóa trong Đảng, ông nghĩ gì về sự tồn vong của Đảng thời điểm này?
+ Thực ra trong lịch sử của mình, Đảng đã rất nhiều lần đứng trước sự tồn vong, có những lần, nguy cơ bị xóa Đảng đã hiển hiện khi hầu như toàn bộ Ủy viên TƯ bị bắt đi tù. Nhưng những lần đó là do yếu tố bên ngoài, còn đây là lần đầu tiên chúng ta đối diện với nguy cơ đe dọa sự tồn vong mà nguy cơ ấy do chính chúng ta tạo ra. Và nó nguy hiểm hơn nhiều.
Tôi cứ nghĩ đến Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu mà lo sợ. Vì chính họ chứ không phải các thế lực bên ngoài đã làm cho họ bị suy yếu rồi diệt vong. Đó là bài học đau đớn nhất, bài học mà nếu ai còn yêu Đảng thì phải suy nghĩ để chúng ta không bao giờ đi theo vết xe đổ ấy.
— Dù sao thì trong thời gian vừa rồi, tôi nghĩ mọi tầng lớp trong xã hội đều hồ hởi, phấn chấn khi nhiều người có vị trí cao trong xã hội bị xử lý cả về mặt chức vụ và pháp luật. Liệu chúng ta có đang vội vàng nếu đã cảm thấy hồ hởi và hi vọng vào những tín hiệu vừa qua?
+ Tôi chỉ cảm thấy bớt lo đi chứ chưa thấy hồ hởi. Bởi vì nếu hiện tượng này không bị chặn lại thì tôi hoàn toàn không hiểu xã hội sẽ đi đến đâu, khi mà dường như mọi thứ xung quanh mà tôi chứng kiến đều đang tồi tệ hơn bao giờ hết và làm cho cả Đảng lẫn dân tộc đều suy yếu.
Bên ngoài có một thế lực ngay gần ta đang trỗi dậy với biết bao toan tính không có lợi cho nước ta, thế mà trong lòng chúng ta dường như đang phân hóa, đang xuống cấp.
Cứ nhìn cả hệ thống này, ta sẽ thấy là cái đại nghĩa của dân tộc không còn như vậy nữa, cái chí nhân của người Việt cũng không còn như vậy nữa. Nên khi những người đứng đầu nhìn thấy được sự việc và đứng lên để ngăn chặn những điều không có lợi cho dân tộc thì tôi thấy nỗi lo bớt đi.
Nhưng việc ngăn chặn đó để làm ra được cái mới tốt hơn thì lại chưa có. Nên tôi chưa dám hồ hởi.
— Nếu được góp ý cho Đảng với tư cách là đảng viên, ông sẽ…
+ Đảng muốn vững mạnh, xã hội muốn phát triển thì phải có sự dân chủ trong Đảng một cách tuyệt đối và xã hội cũng phải có sự dân chủ song song.
Khi một người dân muốn bầu ra một ông Chủ tịch nước theo như Hiến pháp thì họ được phép bầu ra ông Đại biểu Quốc hội, ông Đại biểu Quốc hội được ngồi vào Quốc hội và khi TƯ giới thiệu ông Chủ tịch nước thì ông Đại biểu Quốc hội được phép bầu ông Chủ tịch nước. Như vậy, người dân phải bỏ phiếu bầu ông Chủ tịch nước qua một nấc là ông Đại biểu Quốc hội mà thôi.
Nhưng tôi là đảng viên, tôi muốn bầu TBT thì bầu như thế nào? Thứ nhất, phải bầu đại biểu của chi bộ nơi tôi đang sinh hoạt đi họp đại hội đảng bộ cấp trên; rồi đại hội đảng bộ cấp trên bầu ra người đi họp đại hội đảng bộ thành phố.
Đảng bộ thành phố bầu ra người tham gia Đại hội Đảng toàn quốc rồi những người này bầu ra Ban Chấp hành TƯ hơn 100 người, hơn 100 người này bầu ra TBT. Như vậy thì sự dân chủ đã bị vơi bớt đi rất nhiều!
Vì tôi không biết ông đại biểu trên tôi nghĩ gì, rồi ông đại biểu đó cũng không biết cái ông ở trên nữa nghĩ gì… 4 lần như vậy thì sự dân chủ không còn nữa. Tại sao trong Đảng không làm như Quốc hội, là cho đại biểu của địa phương chia thành từng khu vực, bầu thẳng đại biểu đi dự Đại hội Đảng, đại biểu này bầu thẳng TBT. Và khi tôi bầu ông đi Đại hội Đảng, ông ấy phải nói cho tôi biết ông ấy nghĩ rằng ai sẽ là TBT, phải phân tích và thuyết phục được tôi.
Cuối cùng tôi nghĩ, chỉ có dân chủ mới giúp chúng ta thoát khỏi những mắc mớ hiện tại.
— Khi xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta mơ đến một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đến bao giờ chúng ta sẽ đi được đến xã hội mà chúng ta mơ ước đó?
+ Khi mà tất cả những người lãnh đạo đảng sẽ là những người giàu cuối cùng của xã hội này, không phải là những người giàu đầu tiên thì chúng ta mới có thể hy vọng đến được cái xã hội mà chúng ta mơ ước.
Chú Đỗ Mười im lặng và tôi nhìn thấy trên vẻ mặt của ông một sự đau khổ ghê gớm. Bản thân ông Đỗ Mười là tiêu biểu của lớp người cũ. Tôi đến thăm ông, thấy ông còn ngồi trên một cái phản gỗ cũ kĩ trong bao nhiêu năm nay không hề thay đổi.
Tôi đến thăm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh thì cũng thấy ông ngồi ngay bên cạnh một góc tường sứt, người ta trám lại bằng xi măng mà không buồn quét sơn.
Đó là lớp lãnh đạo tiêu biểu mà tôi nghĩ là không có vật chất gì chạm vào họ được, và nếu như còn tiếp tục được lãnh đạo, họ sẽ là những người cuối cùng của đất nước giàu lên được. Họ xứng đáng và hãy gọi họ là những người lãnh đạo cộng sản.
Còn nếu khác đi thì không phải.
— Đến bây giờ ông có còn ý định xin ra khỏi Đảng trong tình huống nào đó? Và ông lựa chọn hành động như nào để là đảng viên tốt?
+ Như tôi đã nói với chị lúc nãy, tôi đã lựa chọn ở lại trên con tàu, với tư cách một người đảng viên yêu tha thiết Đảng này và dân tộc này, để lựa chọn sẵn sàng góp sức mình với tất cả khả năng mà tôi có thể, dù rằng tôi chỉ là một đảng viên bình thường, không có trọng trách gì trong Đảng và chính quyền.
Tôi có những lần thử thách như là 2 lần ứng cử Đại biểu Quốc hội, là những lần mà tôi vùng vẫy để chiến đấu, dù tôi đã thất bại. Ngay cả như cuộc trò chuyện của chúng ta hôm nay, một cuộc trò chuyện vào nửa đêm qua điện thoại, khi tôi và chị cách xa nhau về địa lý, sau khi tôi vừa trải qua một chuyến bay dài, thì trong thâm tâm tôi cũng nghĩ là mình đang làm điều gì đó cho Đảng.
Có những người đọc bài của tôi trên báo thì bảo nói thì lúc nào chẳng được, vấn đề là có hành động được không! Tôi thì nghĩ rằng đôi khi nói cũng là một hành động có ích, chứ không phải nói chỉ là nói.
Tôi cũng cố gắng không làm điều xấu cho Đảng, Còn ở vị trí một doanh nhân, tôi cố gắng đóng góp tạo công ăn việc làm cho xã hội. Nếu mỗi người đảng viên đều cố gắng từ một việc nhỏ thì tôi tin chúng ta sẽ làm được việc lớn.
— Ông có e ngại không nếu những phát biểu quá thẳng thắn của ông hôm nay có thể bị người ta đưa ra bàn tán vì ông đâu chỉ là đảng viên bình thường mà còn là con trai cố TBT Lê Duẩn?
+ Tôi rất mừng là chưa một lần nào phát biểu của mình bị phê bình bởi những người có trọng trách trong chính quyền. Có thể có người thích hoặc không thích, một vài người bạn quan chức còn hiểu lầm là tôi cố tình nói họ, nhưng tôi thì thấy là tôi chưa bao giờ bị ai đó gọi đến và bảo tư tưởng của tôi là không đúng, là chống phá, kể cả những thế lực bên ngoài!
Tôi tin cả những người lãnh đạo Đảng và những người làm công tác tuyên giáo đều cảm nhận được những lời nói này của tôi xuất phát từ một tấm lòng yêu Đảng và yêu dân tộc này.
Mà có lẽ, thậm chí còn yêu hơn nhiều người có chức quyền đang nằm trong hệ thống đó!
Nguồn: Kiến Thức