Đòn giáng của Hoa Kỳ: Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung ảnh hưởng đến Việt Nam

Ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với hai mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào tuần tới.
Sputnik

Các chuyên gia cho rằng quyết định này là đòn giáng mạnh vào các nước khác, không chỉ là Trung Quốc, có thể khơi mào cho các cuộc chiến thương mại mới, ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. 

Việt Nam: Chưa 'gỡ' được vụ phản đối nhà máy thép ở Đà Nẵng gây ô nhiễm

Việc áp mức thuế nhập khẩu, 25% đối với thép và 10% đối với nhôm được cho là một bước đi mới trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump. Ngay sau thông báo, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất thép tại Mỹ đã tăng đáng kể. 

Trước đó, trên trang cá nhân Twitter, Tổng thống Trump khẳng định, ngành công nghiệp thép và nhôm của Mỹ từ nhiều năm nay chịu thiệt hại nặng nề do có những chính sách thương mại "tồi" và "không công bằng" với các nước khác trên thế giới. 

Đầu năm nay, Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã áp mức thuế quan mới đối với các tấm pin năng lượng Mặt Trời và máy giặt nhập khẩu vào Mỹ. Động thái này được cho là phù hợp với chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, với mục đích bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh quyết liệt từ nước ngoài. 

Bình luận về quyết định của Chính quyền Donald Trump, bà Wendy Cutler, cựu Quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ và hiện là Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asia Society cho rằng quyết định này phản ánh thực tế Bộ Thương mại Mỹ chủ trương không dành sự miễn trừ cho bất kỳ quốc gia nào, đồng nghĩa với việc điều này có thể gây tác động tới các đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Mexico.

Mỹ sẽ chặn thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam?
Phó Chủ tịch Asia Soceity khẳng định các đối tác thương mại của Mỹ sẽ bất bình. Đơn cử như Trung Quốc có thể ngay lập tức đối phó bằng các biện pháp trả đũa đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, không nhất thiết chỉ trong ngành thép và nhôm. Một số quốc gia khác có thể lựa chọn phương án khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một số đối tác có thể có cớ để hạn chế hoạt động nhập khẩu cùng với lý do quan ngại về an ninh quốc gia, và như vậy sẽ gây tổn thương cho các nhà xuất khẩu Mỹ. 

Về đối nội, bà Cutler cho rằng việc áp thuế quan đối với thép và nhôm cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ và có thể làm tiêu tan một số lợi ích mà những khoản giảm thuế gần đây đem lại. Đơn cử như những lĩnh vực sử dụng thép, như ô tô, máy bay và thuyền, sẽ phải mua nguyên liệu với giá cao hơn. Người lao động làm việc trong những ngành này có thể bị mất việc làm do chi phí tăng trong khi doanh thu giảm. 

Cựu quan chức thương mại Mỹ kết luận quyết định trên có thể trợ giúp các ngành thép và nhôm của Mỹ, song sẽ gây nguy hiểm cho ngành ô tô và nhiều ngành khác nữa. Bà lưu ý rằng quyết định trong lĩnh vực thép tiếp nối một số động thái gần đây của Mỹ nhằm tăng thuế quan đối với pin năng lượng Mặt Trời và máy giặt. Do đó, bà dự đoán "mọi chuyện không dừng lại ở đây" và chính quyền Mỹ sẽ còn tiếp tục đưa ra nhiều quyết định tương tự. 

Chiều 1/3, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã ra tuyên bố lên án bất kỳ ý định nào của Mỹ nhằm đánh thuế thép và nhôm của Canada. Tuyên bố nêu rõ, Canada sẽ xem bất kỳ hạn chế thương mại nào đối với nhôm và thép của Canada là không thể chấp nhận được. Bà nói việc xem hàng hóa nhập khẩu từ Canada là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ là hoàn toàn vô lý.

Cảnh báo "khác thường" nhưng đanh thép của Trung Quốc dành cho Mỹ
Theo bà Freeland, bất kỳ rào cản thương mại nào cũng sẽ tác động tới công nhân, các nhà sản xuất và ngành công nghiệp nhôm, thép của hai nước. Vì thế, chính phủ Canada sẽ tiếp tục làm việc với các cấp chính quyền của Mỹ về vấn đề này. Bà khẳng định Chính phủ Canada sẽ luôn đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp và nếu các hạn chế được áp đặt lên nhôm và thép của Canada, nước này sẽ có biện pháp bảo vệ các lợi ích thương mại cũng như người lao động. 

Trong diễn biến liên quan, các giới chức liên bang và các doanh nghiệp trong ngành nhôm, thép của Canada đang nỗ lực đẩy mạnh vận động để được hưởng miễn trừ trong quyết định tới đây của Chính quyền Donald Trump. Canada hiện là nhà cung ứng nhôm và thép lớn nhất của Mỹ. 
Tuyên bố của ông Trump đe doạ sẽ phủ bóng đen lên vòng bảy tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang diễn ra tại Mexico City, đồng thời sẽ kéo dài danh sách các bất đồng thương mại giữa Mỹ và Canada sau những tranh cãi gần đây liên quan đến gỗ xẻ mềm và dòng máy bay C-Series của hãng Bombardier. 
Cũng trong ngày 1/3, Hiệp hội Thép của Đức đã lên tiếng chỉ trích quyết định áp thuế nhập khẩu đối với thép của Tổng thống Mỹ, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần có động thái đấu tranh và chống lại biện pháp đơn phương này. 
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Hiệp hội Thép của Đức, ông Hans Juergen Kerkhoff nhấn mạnh Mỹ đang lập một rào cản trước thép nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới và biện pháp này rõ ràng vi phạm các quy tắc của WTO. Bên cạnh đó, ông Hans cũng lên tiếng kêu gọi EU cần phải có hành động kiên quyết kết hợp với các quy tắc của WTO để chống lại biện pháp đơn phương này của Mỹ.

Liên quan đến sản phẩm thép và nhôm mà Mỹ cho rằng Trung Quốc đã bán phá giá, trước đó, các sản phẩm này của Việt Nam cũng đã bị vạ lây.

Sự thật vụ thép Trung Quốc dán mác thép Việt
Theo đó, Hội đồng các doanh nghiệp sản xuất nhôm Mỹ (AEC) đã kiến nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nhôm của Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam (Global Vietnam Aluminum) ngang với nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.

AEC đã đưa ra các căn cứ cáo buộc China Zhongwang Holdings Ltd và các chi nhánh của công ty này đã chuyển các sản phẩm nhôm ép đùn vào Việt Nam qua liên kết với Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam — công ty con của China Zhongwang Holdings Ltd, trước khi xuất khẩu sang Mỹ. Động thái này nhằm trốn thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.

Trong đơn kiến nghị về phía Việt Nam, AEC đã đưa ra bằng chứng cho thấy liên kết của công ty Zhongwang ở Việt Nam đã thay đổi hình dạng và cấu thành của các sản phẩm nhôm đùn Trung Quốc một cách không đáng kể nhưng sau đó tuyên bố số nhôm này có nguồn gốc từ Việt Nam.

Vào tháng 12/2017, DOC cũng đã ban hành kết luận sơ bộ vụ điều tra lẩn tránh thuế đối với sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ của Việt Nam sử dụng thép cán nóng của Trung Quốc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đã áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc.

Nguồn: TTXVN, Báo Đất Việt

Thảo luận