Chuyên gia Prashanth Parameswaran, Biên tập viên cao cấp của Tạp chí The Diplomat vừa có bài viết đánh giá về ý nghĩa chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ (TSB) USS Carl Vinson đến Việt Nam vào ngày 5/3 tới.
Dưới đây, chúng tôi xin trích lược một số nhận định của ông về sự kiện quốc phòng quan trọng này giữa Việt Nam và Mỹ.
Vài ngày nữa, một tàu sân bay Mỹ sẽ cập cảng Đà Nẵng, Việt Nam cho chuyến thăm đầu tiên kể từ khi hai nước kết thúc chiến tranh.
Dù chỉ là một động thái ngoại giao đơn lẻ và được chuẩn bị từ lâu nhưng sự kiện vẫn rất đáng chú ý khi xét tới tầm quan trọng của nó trong bối cảnh quan hệ Việt — Mỹ, trong định hướng chính sách quốc phòng của Washington và rộng hơn là bối cảnh của cả khu vực.
Ý tưởng về một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam đã được lên kế hoạch từ năm ngoái và lần đầu tiên được đề cập công khai trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis vào tháng 8/2017.
Ba điểm nhấn trong chuyến thăm của TSB USS Carl Vinson tới Việt Nam
Chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson chắn chắn sẽ thu hút sự quan tâm của báo giới những ngày tới đây. Do vậy, rất cần thiết phải hiểu được ý nghĩa quan trọng của sự kiện này, theo 3 khía cạnh.
Thứ nhất, chuyến thăm là một dấu mốc nữa trong một loạt các hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương Việt — Mỹ đã được hai nước tăng cường những năm vừa qua.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm nên được hiểu không chỉ là sự kiện diễn ra duy nhất một lần mà là một phần của kế hoạch tăng dần sự tham gia của các tàu sân bay Mỹ vào mối quan hệ Việt — Mỹ.
Tháng 10 năm ngoái, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh trở thành quan chức Việt Nam cao nhất đến thăm tàu sân bay Mỹ khi ông lên thăm USS Carl Vinson. Chỉ cách đây vài ngày, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cũng đã lên thăm tàu sân bay USS George H.W. Bush trong chuyến công tác hai ngày tới Norfolk, Virginia.
Rõ ràng, việc Việt Nam đón tiếp một tàu sân bay Mỹ là một bước tiến nữa theo xu hướng mới, đồng thời nó cũng cho thấy vai trò đang gia tăng của Việt Nam với những nỗ lực của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Thứ hai, chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson tới Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến lược quốc phòng của Mỹ ở khu vực. Các tàu sân bay vẫn từng là cách thức để Mỹ đẩy mạnh sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực, nhất là trước những động thái ngày càng quả quyết của Hải quân Trung Quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà chuyến thăm của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson nằm trong một hành trình rộng lớn hơn của hải quân Mỹ tới khu vực. USS Carl Vinson đã đến thăm Philippines và tuần trước, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer cũng ghé cảng Kota Kinabalu ở Malaysia.
Chuyến thăm đến Việt Nam còn nhấn mạnh tới vai trò của bản thân tàu sân bay USS Carl trong kế hoạch quốc phòng chung của Mỹ.
Khi Washington đang phải vật lộn với những gánh nặng hoạt động của các tàu hải quân và loay hoay tìm cách kiểm soát mối căng thẳng này, mà minh chứng rõ nét nhất là những tai nạn gần đây liên quan đến Hạm đội 7, thì một trong những giải pháp hiệu quả là tăng cường sự can dự nhiều hơn của Hạm đội 3 đến Tây Thái Bình Dương theo một sáng kiến đưa ra từ năm 2016.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson là một minh chứng hữu hình cho Sáng kiến đẩy mạnh sự hiện diện tiền phương của Hạm đội 3 (Third Fleet Forward) khi lần đầu tiên nó được triển khai tới Tây Thái Bình Dương hồi năm ngoái và hiện đang trên hành trình triển khai lần hai.
Thứ ba, không chỉ liên quan tới Mỹ và Việt Nam, chuyến thăm còn có ý nghĩa nếu xét theo những diễn biến trong khu vực. 2018 có thể sẽ là năm chứng kiến những động thái quả quyết hơn của Trung Quốc tại Biển Đông sau một năm 2017 tương đối yên ắng khi cả cả Mỹ và Trung Quốc đều vừa trải qua các cuộc bầu cử chính trị lớn.
Prashanth Parameswaran là Biên tập viên cao cấp của Tạp chí The Diplomat làm việc ở Washington, D.C. Ông thường xuyên viết về các vấn đề an ninh châu Á, Đông Nam Á và chính sách đối ngoại của Mỹ với khu vực châu Á — Thái Bình Dương.
Là công dân ASEAN lớn lên ở Malaysia, Singapore và Philippines trước khi chuyển tới Mỹ, Prashanth từng nghiên cứu về các vấn đề châu Á tại nhiều cơ quan tư vấn chính sách (think tank), trong đó có Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Các bài viết của ông thường xuyên được đăng tải trên rất nhiều ấn phẩm ở Mỹ và châu Á như Foreign Policy, The National Interest, The Washington Quarterly, The Straits Times và The Nation.
Nguồn: The Diplomat, Thời Đại