Phát triển vũ khí hiện đại - cuộc chạy đua nguy hiểm của các cường quốc

Việc các cường quốc hàng đầu trên thế giới liên tục tăng ngân sách quốc phòng, phát triển các loại vũ khí hiện đại, có sức mạnh hủy diệt hàng loạt… nguy cơ đẩy cả thế giới vào cuộc chạy đua vô cùng tốn kém và nguy hiểm.
Sputnik

Hãng tin chính thức của Trung Quốc Tân Hoa xã ngày 5-3 đưa tin, nước này sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 8,1% trong năm 2018. Như vậy, kế hoạch chi tiêu quân sự đã được trình lên Quốc hội Trung Quốc tăng 7% so với năm 2017 và 7,6% của năm 2016.

Trong bài phát biểu trước khi Quốc hội Trung Quốc thông qua ngân sách quốc gia vào ngày 5-3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước này từ chối tiết lộ chi tiêu quốc phòng sẽ tăng lên bao nhiêu. Tuy nhiên, theo Reuters, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc năm 2018 lên tới 1.110 tỷ nhân dân tệ, khoảng 175 tỷ USD.

Giới phân tích quân sự quốc tế cho rằng với mức chi tiêu quân sự đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Mỹ) và liên tục gia tăng hàng năm, Trung Quốc đã đầu tư, phát triển được những loại vũ khí hiện đại hàng đầu thế giới như máy bay chiến đấu tàng hình, tên lửa đạn đạo, tàu sân bay… Điều này gây lo ngại sâu sắc cho các nước láng giềng.

Đầu tiên, cường quốc láng giềng sát nách với Trung Quốc là Nga ngay trước đó trong thông điệp liên bang đọc ngày 1-3 của Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố đang phát triển và thử nghiệm một loạt vũ khí mới mà nước này tuyên bố là "siêu hiện đại" có khả năng phá vỡ mọi bức tường phòng thủ. Đó là tên lửa hành trình "bất khả chiến bại" tầm bắn 2.000km, tàu ngầm không người lái và tên lửa siêu nhỏ mang đầu đạn hạt nhân sức công phá lớn, tên lửa vượt đại châu "siêu khủng" RS-28 Sarmat nặng 210 tấn và mang 10-15 đầu đạn hạt nhân, vũ khí HGV "siêu siêu âm" tốc độ 25.000 km/h có khả năng xuyên thủng mọi "là chắn tên lửa"…

Với việc dồn sức phát triển các loại vũ khí "đi trước" trình độ thế giới trên, Nga tin rằng với ngân sách quốc phòng hạn hẹp, liên tục bị cắt giảm do khó khăn kinh tế và chỉ còn 48,4 tỷ USD trong năm 2017 so với 65,4 tỷ USD năm 2016, song nước này vẫn có thể duy trì sức mạnh răn đe với các cường quốc hàng đầu thế giới.

Luôn muốn duy trì ưu thế quân sự vượt trội trên thế giới, Mỹ đương nhiên còn mạnh tay chi tiêu hơn rất nhiều so với Nga và Trung Quốc để phát triển các loại vũ khí, trang bị tối tân nhất. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ký ngân sách quốc phòng 692 tỷ USD trong năm 2018 đã yêu cầu tăng tiếp lên 716 tỷ USD trong ngân sách năm 2019. 

Việc Mỹ tăng ngân sách quốc phòng càng đáng lo ngại hơn khi Lầu Năm Góc trong Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 (NPR) công bố hồi đầu tháng 2 vừa qua đã đảo ngược chính sách hạt nhận của nhiều chính quyền trước đây. Theo đó, Washington sẽ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân và phát triển các thành tố trong "bộ 3 hạt nhân" — gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm chiến lược và máy bay ném bom — để có thể "sử dụng linh hoạt hơn" chứ không phải là tiếp tục theo đuổi chính sách "một thế giới không có vũ khí hạt nhân" như chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Việc Nga công bố phát triển một loạt vũ khí "siêu hiện đại" được cho là sự đáp trả với NPR chứa đựng trong đó sự chạy đua nguy hiểm như đánh giá của Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky là "có thể dẫn tới một giai đoạn chạy đua vũ trang mới trên thế giới". Đó không phải là một cảnh báo xa xôi khi không chỉ Mỹ, Trung Quốc mà hầu hết các cường quốc thế giới và khu vực như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều gia tăng mạnh ngân sách quốc phòng.

Nguồn: anninhthudo

Thảo luận