Biển Đông

Việt Nam không đi với nước này chống lại nước khác

TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ, nói chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson có ý nghĩa biểu tượng rõ ràng trong bối cảnh tranh chấp địa chính trị.
Sputnik

Những ngày đầu tháng 3, cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng là cái tên xuất hiện trên nhiều báo đài quốc tế khi trở thành nơi dừng chân của tàu sân bay USS Carl Vinson, một trong những siêu hàng không mẫu hạm lớn nhất của Hải quân Mỹ.

Có gì đáng ngạc nhiên gắn với chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến hải cảng Việt Nam?

Sự kiện đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ Việt — Mỹ nói chung và hợp tác quốc phòng giữa hai nước nói riêng. Nhân dịp này, PV đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới của Chính phủ (nay là Ủy ban Biên giới Quốc gia, trực thuộc Bộ Ngoại giao).

Tranh chấp địa chính trị làm "nóng" cuộc ghé thăm

- Dư luận trong nước cũng như quốc tế rất quan tâm đến sự kiện tàu sân bay Mỹ ghé thăm. Ông lý giải thế nào về sự quan tâm này?

— Có lẽ 10 hay 20 năm trước, khi Việt — Mỹ mới bình thường hóa quan hệ, chúng ta không thể nào nghĩ đến cảnh tượng này. Trong quan hệ đối ngoại quốc phòng giữa các quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao, hoặc là "đồng minh", hoặc là "đối tác chiến lược" hay "đối tác toàn diện", việc thăm viếng lẫn nhau giữa các loại tàu quân sự là một trong những hoạt động bình thường, diễn ra theo lộ trình thỏa thuận. Tuy nhiên, sở dĩ dư luận "nóng" lên từ chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson lần này, là vì ba lý do nổi bật.

Tiến sĩ Trần Công Trục

Trung Quốc "khôn khéo" bình luận việc Tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam
Về quy mô, đây là chuyến thăm đầu tiên kể từ sau năm 1975 của một nhóm tàu chiến có biên chế hùng hậu cả về số lượng và chất lượng. Tháp tùng chiếc Carl Vinson, nặng hơn 100 nghìn tấn, là hai tàu hộ tống lớn (tuần dương hạm USS Lake Champlain và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer — PV). Trên boong hàng không mẫu hạm này có đến khoảng gần 100 chiến đấu cơ các loại và có đến 6.000 quân nhân, gồm thủy thủ đoàn, phi công… Chuyến thăm này kéo dài gần tuần lễ với nhiều hoạt động.

Về nơi diễn ra chuyến thăm, cảng Tiên Sa là vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam. Trong lịch sử, nơi đây đã từng diễn ra những cuộc đổ bộ của quân đội nước ngoài. Cách đây 160 năm, ngày 31/8/1858, liên quân Pháp — Tây Ban Nha đã đổ bộ tấn công Đà Nẵng lần thứ nhất. Cách đây 53 năm, ngày 8/3/1965, Mỹ đổ bộ 3.500 lính thủy quân lục chiến lên bãi biển Sơn Trà, mở màn chiến tranh cục bộ trong cuộc chiến tại Việt Nam.

Về thời gian, chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh khu vực Tây Thái Bình Dương, biển Hoa Đông và Biển Đông, đang tồn tại những tranh chấp địa — chính trị giữa các siêu cường hết sức phức tạp và căng thẳng, khiến dư luận không thể không quan ngại.

- Ông có thể nói rõ về hơn về những tranh chấp địa chính trị này?

— Những năm qua, việc quân sự hóa Biển Đông mạnh mẽ, bất chấp các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế rõ ràng vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong khu vực, ngăn cản quyền tự do hàng hải, hàng không quốc tế qua lại Biển Đông.

Lần đầu sau chiến tranh: Tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam
Trong khi đó, sau một thời gian vì những tính toán lợi ích chiến lược mà "bỏ rơi" đồng minh và đối tác, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu quay trở lại Biển Đông. Điều này được phản ánh trong Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng được Mỹ công bố gần đây, thể hiện hành động quyết đoán, rõ ràng và thẳng thắn của Washington trước sự cạnh tranh kinh tế, quân sự đang ngày càng gia tăng.

Tôi đọc bài viết trên Diplomat (một tạp chí về quan hệ quốc tế, tập trung vào các vấn đề châu Á — PV) và vẫn nhớ ông Mattis nói rằng: "Điều làm cho có sự cạnh tranh rõ ràng là sự biến đổi của đảo san hô và các địa điểm ở Biển Đông thành các tiền đồn quân sự".

Xuất phát từ hoàn cảnh như vậy, chuyến thăm Việt Nam cập cảng Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có những ý nghĩa biểu trưng rõ ràng.

Các sĩ quan Việt Nam trên boong tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng

Việt Nam không đi với nước này chống lại nước khác

- Chuyến thăm có ý nghĩa thế nào trong toàn cảnh quan hệ Việt — Mỹ?

— Chuyến thăm này đang diễn ra một cách thuận lợi bởi công tác chuẩn bị chu đáo của cả Việt Nam và Mỹ, được chính quyền các cấp, lực lượng quốc phòng và nhân dân Việt Nam, trực tiếp là nhân dân Đà Nẵng, nhiệt liệt chào đón. Điều này cho thấy hai bên đã tiến thêm một bước trong việc "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai".

Đừng sợ "mất lòng" Trung Quốc: Thông điệp ẩn sau chuyến thăm của tàu Mỹ tới Việt Nam
Từ chỗ là cựu thù, đến nay Việt Nam và Mỹ có thể thoải mái gọi nhau là bạn bè, đối tác. Mỹ lần này đưa tàu chiến và hàng nghìn quân nhân đến Việt Nam nhưng với ý nghĩa đối lập hoàn toàn so với cách đây hơn nửa thế kỷ.

Chuyến thăm này cũng khẳng định chính sách đối ngoại đúng đắn của chúng ta, đó là chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam là bạn của tất cả các quốc gia, không phân biệt đối xử, không đi với nước này để chống lại nước khác. Chúng ta tôn trọng và ủng hộ các cường quốc thực hiện vai trò của họ trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, bảo vệ hòa bình thế giới, thượng tôn pháp luật…

Thủy thủ trên boong tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng, Việt Nam

Ngoài ra, cùng với các hoạt động khác tại vùng biển Tây Thái Bình Dương trước chuyến thăm này, phía Mỹ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ không bỏ rơi "đồng minh", "đối tác" của họ. Mỹ không can thiệp vào các tranh chấp phức tạp về chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia, nhưng Mỹ không chấp nhận bất kỳ ai vi phạm luật pháp quốc tế, tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải, hàng không quốc tế đi qua Biển Đông.

- Hợp tác quốc phòng, quân sự trong quan hệ song phương thường biểu thị những ý nghĩa chiến lược, quan trọng nhất trong mối quan hệ. Nhận định này liệu có đúng không? Và với quan hệ Việt — Mỹ thì hợp tác quân sự đã tiến triển thế nào kể từ khi bình thường hóa?

— Hoàn toàn chuẩn xác. Hợp tác quốc phòng, quân sự là một trong những nội dung quan trọng, nếu không muốn nói là chủ yếu, trong quan hệ song phương, thường mang ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ, nhất là giữa các đồng minh, đối tác.

Chuyên gia Nga: Trung Quốc sẽ phản ứng trước chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ
Vì vậy, kể từ khi bình thường hóa quan hệ, cách đây hơn hai thập kỷ, quan hệ Việt — Mỹ đã từng bước đã được cải thiện và nâng cao, nhất là trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Chẳng hạn, Mỹ đã tuyên bố xóa bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, và theo tin công khai, thì Mỹ đã nhận huấn luyện đào tạo cho nhân viên quốc phòng, bàn giao các loại tàu chiến hiện đại…

Chuyến thăm của tàu Carl Vinson đánh dấu tiến triển trong hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Mỹ. Trong năm 2009 và 2010, giới chức Việt Nam từng bay tới USS John C. Stennis và USS George Washington để theo dõi hoạt động của hai hàng không mẫu hạm khi chúng di chuyển trên Biển Đông…

Thế nhưng, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng đầu tuần này là tàu quân sự lớn nhất và mạnh nhất của Mỹ từng đến thăm một cảng của Việt Nam. Ý nghĩa lớn lao của sự kiện này thì như tôi đã nói. Một trong những khác biệt nữa là về vị trí: Trong chuyến ghé thăm Philippines trước đó, Carl Vinson đậu cách bờ biển Philippines khoảng 10 km, còn tại Đà Nẵng, tàu ở ngay sát bờ.

Củng cố lòng tin "từng bị tổn thương"

- Có ý kiến cho rằng chuyến thăm này cũng như những hoạt động hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Mỹ có thể nhạy cảm…

Từ chiến tranh đến hòa bình: Duyên nợ của Mỹ với Cam Ranh
- Tôi cho rằng chuyến thăm này, cũng như những hoạt động hợp tác quân sự khác giữa Việt Nam và Mỹ, tuy có thể bị một số bên xem là "nhạy cảm", nhưng không "xúc phạm" đến ai cả. Bởi vì mọi thứ đều tiến triển một cách bình thường, phù hợp với luật pháp và thông lệ trong quan hệ quốc tế, diễn ra trong phạm vi thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Có chăng, điều này có thể gây "bất an" cho ai đó đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đang tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác… 

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của Mỹ đối với ổn định tại khu vực nói chung và ổn định của Biển Đông nói riêng?

— Nếu mọi hoạt động của Mỹ ở khu vực này đều dựa trên cơ sở thượng tôn pháp luật và với động cơ lành mạnh, thì Mỹ sẽ có vai trò quan trọng đối với ổn định tại khu vực châu Á — Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng. Và, nếu được như thế, thì sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này chỉ có thể có tác động tích cực, đảm bảo thượng tôn pháp luật và góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực.

- Liệu chúng ta có thể tận dụng lực đẩy từ chuyến thăm này như thế nào để thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt — Mỹ trong tương lai?

— Thiết nghĩ đây là một trong những cơ hội thuận lợi để quan hệ quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Trước hết, tôi nghĩ rằng qua chuyến thăm này, hai bên củng cố thêm một bước sự hiểu biết, tin cậy đã từng bị tổn thương trong quá khứ, làm tiền đề cho những bước đi tiếp theo trong lộ trình phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Nguồn: Zing

Thảo luận