Khi theo dõi buổi biểu diễn của ban nhạc Hạm đội 7 dưới chân Cầu Rồng đêm 5/3, ông Nguyễn Văn Nhân, 59 tuổi, chăm chú dùng điện thoại quay lại video "để tối về cho mấy đứa cháu xem". Ông cho biết do nhà ở gần Cầu Rồng nên rất hay ra xem những đêm trình diễn như vậy của các thuỷ thủ Mỹ.
43 năm trôi qua kể từ thời điểm đó, người Đà Nẵng nay đón tiếp những thuỷ thủ Mỹ với một tâm thế mới. Gia đình ông Nhân từng có người tham gia chiến tranh năm xưa. "Sống dưới thời chiến và khi đất nước hoà bình như ngày nay, tôi nghĩ chuyện quá khứ đã là quá khứ. Họ (người Mỹ) đến đây và giao lưu văn hoá cởi mở, thật tình với mình thì mình tiếp nhận thôi", ông Nhân nói.
Người dân Đà Nẵng trong những ngày qua râm ran vì chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson. Ông Nhân cho biết đã lên kế hoạch rủ một nhóm bạn đi lên bán đảo Sơn Trà để được nhìn thấy con tàu. Trong khi đó, tài xế Grabbike Lê Tấn Đại sau khi chở phóng viên đến cảng Tiên Sa lúc gần 13h ngày 5/3 đã chia sẻ một kinh nghiệm: "Đường lên khu nhà vọng cảnh gần với tháp radar đã không cho xe lên từ gần trưa, nên mình phải đi tuyến khác, đi theo đường săn voọc mới tìm được vị trí để quan sát được tàu".
Trong khi đó, tài xế Tấn Đại rất quyết tâm "được nhìn thấy cái gọi là tàu sân bay một lần trong đời. Chứ tàu chiến Mỹ thì vào cảng ở Đà Nẵng cũng nhiều lần nên thấy hoài".
So với tinh thần hào hứng của người dân Đà Nẵng, cựu binh Jim Reischl cũng chia sẻ cảm xúc thú vị khi quan sát sự kiện tàu sân bay USS Carl Vinson đến Việt Nam. Ông Reischl từng tham gia chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1969-1970, đóng quân ở sân bay Tân Sơn Nhất tại Sài Gòn (cũ).
"Chiến tranh đã là chuyện của quá khứ và tôi muốn để lại những ký ức này lùi vào quá khứ. Một số người bạn khác của tôi thì không như vậy, nhưng tôi không thể thay họ phán xét hay nhận định vì những chuyện họ trải qua hoàn toàn không giống với tôi. Cá nhân tôi thì trông đợi sự kiện này sẽ là khởi đầu của một điều tốt đẹp hơn, mở ra những hợp tác mới giữa hai nước", ông nói với Zing.vn.
Tiền lệ lịch sử mở ra những hợp tác mới
Thưởng thức bánh xèo, chả giò và một số món ăn Việt Nam khác tại một nhà hàng Đà Nẵng nằm trên con đường Bạch Đằng ven biển, Chuẩn đô đốc John Fuller cho biết đội tàu sân bay của ông đã đi thăm rất nhiều nơi, nhưng chuyến thăm Việt Nam lần này rất đặc biệt vì nó thiết lập một tiền lệ lịch sử. "Tôi và các thuỷ thủ rất vui mừng khi đến đây, và hân hoan khi chuyến thăm giúp mở rộng quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ".
"Cách đây hơn 40 năm sẽ không ai có thể hình dung ra diễn biến ngày hôm nay. Nhưng những diễn biến suốt giai đoạn qua đã nói lên nhiều điều về mối quan hệ song phương, bao gồm hợp tác hàng hải giữa hai bên. Chúng ta đang bước đi đúng hướng", ông Fuller nói với Zing.vn.
Để chuyến thăm được diễn ra, nhiều nhà quan sát phấn khởi rằng điều đó có nghĩa niềm tin trong hợp tác quốc phòng song phương đã được nâng lên tầm cao mới. So với đó, tám năm trước, Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để đón tàu sân bay USS George H.W. Washington nên nó chỉ có thể neo ở ngoài khơi. Do vậy, việc đón tàu USS Carl Vinson dịp này thể hiện rằng Việt Nam đã sẵn sàng hơn trong nhiều hoạt động, hoặc ít nhất là trong phạm vi sự đón tiếp này.
Trước khi tàu USS Carl Vinson ghé thăm Đà Nẵng thì Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chính là quan chức Việt Nam cấp cao nhất từng thăm hàng không mẫu hạm này vào tháng 10/2017. Trong một cuộc phỏng vấn với Zing.vn trước đây, ông Vịnh từng nhận định về tầm quan trọng của niềm tin trong hợp tác quốc phòng chính là lời thật, việc thật.
"Trong quan hệ quốc phòng, bên cạnh lời nói, các bên thường xuyên có những hành động và việc làm cụ thể. Ví dụ như các hoạt động quân sự, diễn tập, xây dựng các căn cứ quân sự… Lòng tin trong quan hệ quốc phòng luôn luôn so sánh với thực tế đang diễn ra với lời nói", Tướng Vịnh nói. Ông cũng khẳng định nếu đã có lòng tin về quân sự, quốc phòng thì lòng tin này rất cao "vì nó đã được thực tế chứng minh. Nếu anh nói mà không đi đôi với làm, thì đó không thể là lòng tin được".
"Đây là một sự hợp tác hai chiều. Tôi hiểu rõ những hoạt động sẽ mang lại lợi ích cho Hải quân Việt Nam mà chúng tôi có thể làm. Chúng tôi sẽ xúc tiến những kế hoạch để phát triển sự gắn kết giữa hải quân hai nước. Ngoài ra, chương trình giao lưu giữa hai lực lượng hải quân là Đối tác Thái Bình Dương vẫn tiếp tục diễn ra năm nay", ông Sawyer nói.
Đến nay, Mỹ đã bàn giao nhiều tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Vùng 2 của Việt Nam. Trong thời gian tới, Mỹ có kế hoạch bàn giao thêm nhiều tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Vùng 1, 3 và 4 để giúp đỡ nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng chấp pháp trên biển Việt Nam.
Trong một chia sẻ riêng tư, Phó đô đốc Sawyer cho biết sự nghiệp của ông ở hải quân vốn gắn bó lâu dài với hạm đội tàu ngầm; nên ông hy vọng thúc đẩy một chuyến thăm của tàu ngầm Mỹ đến Việt Nam trong tương lai.
Khi đến Việt Nam dịp này, các quan chức Hải quân Mỹ cũng gặp gỡ và trao đổi với những lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam. Trước việc doanh nghiệp Mỹ đang mở rộng hoạt động ở Việt Nam, Phó đô đốc Sawyer khẳng định sự phát triển như vậy liên quan trực tiếp đến việc duy trì dòng chảy thương mại không thể bị cản trở, mậu dịch tự do ở khắp các đại dương trên thế giới. Và Mỹ chia sẻ những lợi ích chung với Việt Nam trong việc duy trì tự do hàng hải, tự do lưu thông ở các vùng biển quốc tế.
Theo Minh Nhật, những lợi ích mà Mỹ tích cực quảng bá như phát triển kinh tế thịnh vượng, các cơ hội đến từ thông thường kinh tế và tự do đi lại, lưu thông trên biển… "đều là những yếu tố phù hợp, cần thiết với sự phát triển của Việt Nam". "Việt Nam cần một người bạn và đối tác như Mỹ. Ngoài ra, riêng với người Đà Nẵng thì họ cũng đã biết đến và quen với sự hiện diện của người Mỹ tại đây rồi", Minh Nhật nói.
Đối diện quá khứ chiến tranh
Khi hỗ trợ học viên của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng (cơ sở 3) giao lưu cùng đoàn thuỷ thủ Mỹ, cô giáo trẻ Đinh Thị Thu Nghĩa, 26 tuổi, cẩn thận quan sát và dìu các em ra sân khấu. Khi một em muốn cầm điện thoại của một thuỷ thủ đề chụp ảnh "tự sướng", cô Nghĩa liền ngồi xuống ngay bên cạnh để phòng khả năng em có thể làm rơi điện thoại.
Kể từ đầu năm nay, đoàn của thuỷ thủ tàu USS Carl Vinson là đoàn cấp nhà nước và quy mô nhất đến giao lưu, vui chơi cùng các em tại trung tâm. Trước sự quan tâm của dư luận về chuyến thăm đặc biệt này, cô Nghĩa tỏ ra bình thản nói với Zing.vn rằng: "Trước đây ngoài đoàn Mỹ thì cũng có một số đoàn từ các nước khác. Nhưng dù là từ quốc gia nào thì chỉ cần nhìn thấy các em vui vẻ như vậy là những cô giáo ở trung tâm như tôi cũng vui lây".
Khi biết rằng một trong những hoạt động giao lưu của đoàn thuỷ thủ tàu USS Carl Vinson tại Đà Nẵng là đến thăm cơ sở chăm sóc trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) nận định trên Twitter rằng: "Điều đó nói lên rất nhiều về tinh thần ngày càng nâng cao của Mỹ trong việc đối diện với hậu quả chiến tranh".
Bà Susan Hammond, Giám đốc Dự án Hàn gắn Hậu quả Chiến tranh, cũng rất ngạc nhiên với hoạt động này vì đây nó vốn là một chủ đề nhạy cảm với phía Mỹ. "Họ chưa từng bao giờ công khai thể hiện sự liên quan khi động đến vấn đề di chứng của chất độc da cam với con người".
Theo bà Hammond, phải mất một quá trình kéo dài nhiều năm để người Mỹ nhận thức rằng hợp tác xử lý di chứng chất độc da cam chính là một phần quan trọng trong mối quan hệ Việt — Mỹ. "Tuy nhiên, ngay sau quá trình này thì chúng ta chứng kiến những kết quả tăng dần đều, bắt đầu từ việc khử độc và xử lý môi trường nhiễm độc quanh khu vực sân bay Đà Nẵng, sau đó đến vùng căn cứ cũ ở Biên Hoà (Đồng Nai)", bà Hammond nói với Zing.vn.
"Những di chứng chiến tranh sẽ vẫn còn dai dẳng đến nhiều thập kỷ sau. Các kết quả đạt được hôm nay chỉ mới giúp được một phần rất nhỏ trong số những người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi chính phủ hai nước ngày càng đạt được nhiều thoả thuận hơn về hợp tác giải quyết những di chứng này, thì tôi chỉ có thể hy vọng chứng kiến thêm nhiều kết quả trong những năm tới", bà Shammond nói.
Từng là người lăn lộn trong quân trường và nay chứng kiến một lứa quân nhân Mỹ trẻ tuổi đến giao lưu cùng các bé nhiễm chất đôc da cam, Đại tá Tô Năm nói đây chính là cơ hội cụ thể để những thanh niên trẻ của Mỹ hiểu rõ hơn về hậu quả và di chứng chiến tranh để lại.
"Tinh thần của Đảng và Nhà nước là ‘Khép lại quá khứ, Hướng đến tương lai'. Đây là chính sách đúng đắn phù hợp với sự phát triển của quan hệ hai nước. Khi những thuỷ thủ Mỹ này đến đây hôm nay, tôi mong họ đã chứng kiến hoàn cảnh như vậy thì mỗi người sẽ tự rút ra bài học và có trách nhiệm hơn đối với những nỗ lực hàn gắn, xoa dịu hậu quả chiến tranh", Đại tá Tô Năm nói.
Theo Zing