Bây giờ chắc là ông Tập Cận Bình sẽ ở lại cương vị này cả sau năm 2023, và nếu sức khỏe cho phép có thể ông sẽ giữ chức trọn đời, — chuyên gia phân tích Piotr Tsvetov của Sputnik nhận xét.
Và điều sửa đổi đưa vào Hiến pháp Trung Quốc được đại đa số đại biểu bỏ phiếu thuận. Ở mức này mức khác, thực tế đó phản ánh quan điểm của đa số nhân dân. Mà áp đặt ràng buộc họ phải theo quan điểm nước ngoài lại là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Không thể không đồng ý với ý kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, rằng quyết định như vậy của Quốc hội Trung Quốc sẽ góp phần ổn định tình hình tại đất nước này (mà sự ổn định của Trung Quốc là lợi ích cho các nước láng giềng). "Còn làm điều đó như thế nào cho tốt hơn thì chắc là chính nhân dân Trung Quốc và ban lãnh đạo Trung Quốc đều rõ", — ông Putin tuyên bố trong cuộc phỏng vấn gần đây.
Tôi nghĩ rằng, đối với Việt Nam trong thời gian ông Tập đảm nhận cương vị nguyên thủ quốc gia Trung Quốc và Tổng Bí thư BCH TƯ đảng Cộng sản, cũng có những khía cạnh tích cực. Ông Tập là người ủng hộ tự do thương mại trên trường quốc tế, ông chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và hàng rào thuế quan cao, như vậy có nghĩa là liên hệ thương mại-kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng sẽ phát triển. Đã bắt đầu sự hợp tác của hai nước trong việc thực thi khái niệm "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" của Việt Nam, và sáng kiến Trung Quốc "Một vành đai một con đường" của Trung Quốc. Nên nhớ, sáng kiến này chính do ông Tập khởi xướng.
Ở đây khá thích hợp để trích dẫn nhận định của ông Tập trong Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19: "Trong bất kỳ tình huống nào Trung Quốc cũng sẽ không hy sinh lợi ích của những nước khác để phục vụ cho sự phát triển của chính mình".
Cũng nên lưu ý đến kiến giải của ông Tập về khái niệm "lợi ích" và "nghĩa vụ". Theo quan niệm của ông Tập, "nghĩa vụ" phải được hiểu trong dòng tư tưởng cộng sản là dành sự giúp đỡ cho các đảng anh em và những nước nghèo (có gì đó tương tự như khái niệm "nghĩa vụ quốc tế" từng rất quen thuộc). Trong đó, đừng suy tính chỉ về lợi ích riêng. "Không nên gây hại cho người khác vì lợi ích của mình", — ông Tập đã chỉ thị cho các nhà ngoại giao làm việc với các nước lân cận như vậy.
Như vậy phải chăng là dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh sẽ không coi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc nữa? Hiển nhiên không phải như vậy, mà cũng đừng chờ đợi điều này từ bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi ông Tập nắm quyền, kêu gọi từ bỏ đặc tính Chiến tranh Lạnh và hô hào giải quyết các tranh cãi quốc tế thuần túy bằng con đường hòa bình, có lẽ khó có chuyện tháo gỡ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bằng vũ lực. Mặc dù ông Tập đã chính thức chiếm vị trí của mình trong số những lãnh tụ vĩ đại của Trung Quốc, ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, chắc là ông sẽ không gây hấn xâm lược chống Việt Nam, như ông Đặng đã tiến hành.