South China Morning Post ngày 28/2 đưa tin, các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ "đề xuất gây tranh cãi" về việc sửa đổi Hiến pháp, bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ với chức danh Chủ tịch nước, động thái được tờ báo Hồng Kông, Trung Quốc xem là giúp ông Tập Cận Bình "nắm quyền vô thời hạn".
Xã luận tờ Quân giải phóng Trung Quốc ngày 26/2 khẳng định, các nội dung sửa đổi bổ sung Hiến pháp là phù hợp với tư tưởng, tinh thần và các chính sách quan trọng do Đại hội 19 đưa ra;
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng lên tiếng khẳng định, động thái sửa đổi Hiến pháp là rất cần thiết và kịp thời.
Ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng và tái cơ cấu quân đội, với tham vọng biến quân đội Trung Quốc thành một lực lượng tác chiến hiện đại, bảo vệ (cái Trung Quốc gọi là) lợi ích cốt lõi của họ trong lúc các tranh chấp đang gia tăng với các nước láng giềng Đông Nam Á, Nhật Bản.
Nhưng cũng có những phản ứng hiếm hoi chống lại đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước từ một số nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Ví dụ như ông Li Datong, cựu biên tập viên tờ Thanh niên Trung Quốc đã gửi thư ngỏ tới Quốc hội nước này kêu gọi các nhà lập pháp bác bỏ đề xuất sửa đổi Hiến pháp.
Li Datong cho rằng, đây là một trong những di sản chính trị quan trọng của Đặng Tiểu Bình nhằm xoa dịu nỗi đau to lớn của Cách mạng Văn hóa gây ra. [1]
Giáo sư Thời Ân Hoằng từ Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc bình luận sự kiện này trên tờ The New York Times ngày 26/2:
Ông Tập Cận Bình có thể chẳng quan tâm đến việc thế giới sẽ nhìn nhận, đánh giá ra sao việc ông sẽ là một nhà lãnh đạo suốt đời.
Với nhiệm kỳ Chủ tịch nước không hạn chế, ông Tập Cận Bình gần như chắc chắn vẫn tại vị sau 2024, nhưng 5 năm sau ông Donald Trump sẽ phải rời Nhà Trắng nếu không giành thắng lợi bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 2.
Ông Tập Cận Bình giành được sự ủng hộ rất lớn trong nước nhờ thành quả chiến dịch chống tham nhũng, và kiểm soát thông tin, theo cách nhìn của các học giả phương Tây.
Tuy nhiên theo ông Peter Jennings, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Australia và từng là một quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Úc:
"Phương Tây có thể cảm thấy không thoải mái vì việc ông Tập Cận Bình kéo dài thời gian nắm quyền có thể làm tăng rủi ro trên Biển Đông và eo biển Đài Loan." [2]
Người phát ngôn Điện Manacanang hôm thứ Ba cho biết, không giống Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Rodrigo Duterte không quan tâm đến việc kéo dài nhiệm kỳ sau năm 2022.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Manacanang, ông Harry Roque cho biết:
"Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không tại vị sau năm 2022 là điều chắc chắn. Ông ấy có thể từ chức sớm hơn nếu Hiến pháp được sửa đổi.
Đó có thể là điều mà Chủ tịch Trung Quốc mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng với Tổng thống Rodrigo Duterte, từ lâu ông đã loại bỏ vấn đề kéo dài nhiệm kỳ cho mình." [3]
Còn tờ Macau Daily Times ngày 28/2 bình luận, việc kéo dài nhiệm kỳ Chủ tịch nước của ông Tập Cận Bình có thể là một mối lo đối với Hoa Kỳ.
Tờ báo cho rằng, Tập Cận Bình đã chứng minh được rằng ông là một nhà lãnh đạo có năng lực, nghiêm túc, đã cải thiện đáng kể nền kinh tế, tăng cường vị thế toàn cầu, sức mạnh quân sự và giảm tham nhũng.
Với khả năng tiếp tục tại vị 1 thập kỷ hoặc lâu hơn nữa, ông có thể dẫn dắt Trung Quốc thực hiện các mục tiêu chiến lược rõ ràng, táo bạo để mở rộng vai trò, ảnh hưởng của nước này trên vũ đài chính trị toàn cầu.
Khi tăng trưởng kinh tế bắt đầu chậm lại một cách đáng kể, những khó khăn này sẽ gây áp lực nội bộ và tạo ra sự gián đoạn chính trị, như đã luôn luôn xảy ra trong các xã hội có mô hình tương tự.
Theo quan điểm của Mỹ, việc tập trung quyền lực vào ông Tập Cận Bình sẽ làm cho Trung Quốc trở thành đối thủ đáng gờm hơn cả ở Đông Á và trên toàn cầu. [4]
Tài liệu tham khảo:
[2]https://www.nytimes.com/2018/02/25/world/asia/xi-jinping-china.html
[3]http://newsinfo.inquirer.net/971857/president-for-life-duterte-wont-do-a-xi-jinping
[4]https://macaudailytimes.com.mo/analysis-emperor-xi-worry-us.html
Nguồn: GDVN