Biển Đông

Học giả Úc: Việt Nam "khôn khéo" “cân bằng chiến lược” ở Biển Đông

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước để thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, thực hiện cân bằng chiến lược. Điều này gây chú ý cho báo chí Trung Quốc.
Sputnik

Theo các nguồn tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang tiến hành chuyến thăm chính thức Australia từ ngày 14 — 18/3/2018, đồng thời tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN — Australia. Chuyến thăm này đã thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế trong đó có Australia.

"Tàu sân bay Mỹ "Carl Vinson" thăm Đà Nẵng là sự kiện bình thường với quốc phòng Việt Nam"

"Thủ tướng Việt Nam mong muốn thắt chặt lợi ích quốc phòng của Việt Nam với Australia" — tờ Sydney Morning Herald Australia tối ngày 13/3 viết. Theo bài báo, Australia và Việt Nam sẽ ký kết một thỏa thuận đối tác chiến lược để tăng cường quan hệ ngoại giao, quốc phòng và thương mại hai nước.

Trả lời phỏng vấn tờ Fairfax Media Australia về cách thức giải quyết tình hình căng thẳng ở Biển Đông và khả năng hợp tác với các nước về tự do đi lại ở Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định của Biển Đông cùng với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông".

Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng là các nước cần có những đóng góp tích cực cho mục tiêu chung này, tránh có các hành động có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull

Trung Quốc "khôn khéo" bình luận việc Tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam
Cần thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng để giải quyết bất đồng".
Thủ tướng đồng thời cho biết:

"Australia và ASEAN đều có địa vị và vai trò quan trọng ở khu vực Biển Đông".

Tờ Sydney Morning Herald Australia dẫn lời giáo sư danh dự Carl Thayer của Đại học New South Wales Australia cho rằng Việt Nam không nhiều khả năng gia nhập hoạt động tuần tra quân sự với các nước khác ở Biển Đông. Nhưng Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng rộng rãi hơn với Australia ở khu vực này.

Giáo sư C. Thayer

Theo nhà nghiên cứu Carl Thayer: "Việt Nam đã mở cửa cho tàu chiến các nước đến thăm và duy trì cân bằng chiến lược, nhưng sẽ không liên kết với các nước này để chống nước kia".

Theo báo chí Trung Quốc, bước vào năm 2018, Việt Nam liên tục và không ngừng tiến hành các hoạt động trao đổi ngoại giao, an ninh với các nước lớn và các nước láng giềng. 

Ngày 9/1, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản Koji Yamazaki đến thăm Việt Nam. Ngày 22/1, quân đội Việt Nam lại chào đón Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, ngay sau đó ngày 24/1 Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis tiếp tục xuất hiện ở Việt Nam.

Đặc biệt, từ ngày 5 — 9/3/2018, cụm chiến đấu tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ cũng đã đến thăm cảng Đà Nẵng, Việt Nam. Động thái này gây chú ý đặc biệt cho báo chí Trung Quốc.

Đừng sợ "mất lòng" Trung Quốc: Thông điệp ẩn sau chuyến thăm của tàu Mỹ tới Việt Nam
Ngoài ra, nửa đầu tháng 3/2018, Việt Nam đã lần lượt ra tuyên bố chung với 3 nước gồm Ấn Độ, Bangladesh và New Zealand. Các tuyên bố đều nhấn mạnh đến bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ thực hiện toàn diện, có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).    

Trong khi đó, trong thời gian Trung Quốc tổ chức "Lưỡng hội", vào ngày 8/3/2018, khi trả lời phỏng vấn báo chí về chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong năm 2018, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói đến vấn đề Biển Đông.

Ông Vương Nghị cho rằng tình hình Biển Đông đang có xu hướng ổn định, nhưng cũng đang đối mặt với "thách thức". Ông đã đổ lỗi cho những thách thức này đến từ bên ngoài, cho rằng "thách thức chủ yếu nhất hiện nay là một số thế lực bên ngoài không chịu để Biển Đông yên ả, luôn tìm cách kích động thị phi, thường xuyên đem tàu chiến, máy bay có vũ trang đầy đủ đến Biển Đông khoe vũ lực, trở thành nhân tố cản trở lớn nhất của hòa bình, ổn định Biển Đông".

Có gì đáng ngạc nhiên gắn với chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến hải cảng Việt Nam?
Điều này cho thấy Trung Quốc đang ám chỉ Mỹ và một số nước lớn khác đang có nhiều hành động ở Biển Đông như tàu sân bay Carl Vinson Mỹ tổ chức diễn tập quân sự chung với Nhật Bản ở Biển Đông. Qua đây, Mỹ khẳng định cam kết an ninh đối với khu vực.

Ngoài ra, ông Vương Nghị còn cho biết trong năm 2018 Trung Quốc sẽ cùng các nước ASEAN nắm lấy cơ hội, mở rộng hợp tác, gạt bỏ những trở ngại, hóa giải các thách thức, quý trọng những thành quả đạt được song phương, đẩy nhanh tiến trình tham vấn COC, tích cực tìm tòi xây dựng "cơ chế hợp tác" giữa các nước ven bờ Biển Đông, cùng xây dựng Biển Đông thành biển hòa bình, biển hợp tác.

Những tuyên bố này của phía Trung Quốc có vẻ thiện chí, nhưng điều quan trọng là thời gian tới các bên cần tiếp tục chú ý quan sát kỹ lưỡng các hành động cụ thể của Trung Quốc ở Biển Đông để kiểm chứng, tích cực thúc đẩy Trung Quốc thực hiện "lời nói đi đôi với việc làm", thúc đẩy đàm phán và hợp tác, bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Theo: Viettimes

Thảo luận