Trưa 9/3, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đã nhổ neo rời cảng Tiên Sa, kết thúc chuyến thăm 4 ngày tại TP Đà Nẵng. Trong 5 ngày ở Đà Nẵng, đoàn 6.500 thủy thủ của Hải quân Mỹ đã có những hoạt động trao đổi chuyên môn kỹ thuật với ngành điện, y tế, phòng cháy chữa cháy, và tham gia các hoạt động cộng đồng. Nhiều báo chí phương Tây và Việt Nam đã có đánh giá, chuyến thăm lịch sử bốn ngày đến Việt Nam của tàu sân bay USS Carl Vinson mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa hải quân Việt Nam và Mỹ.
Để nhìn nhận rõ và chính xác về vấn đề này, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về những vấn đề chính trị và quân sự, Học viện Chính trị An ninh Nhân dân.
Sputnik: Báo chí phương Tây dành sự chú ý lớn tới chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay Mỹ Carl Vinson. Theo ông, nói Việt Nam mừng rỡ trước sự kiện này thì có là nói quá hay không và tầm quan trọng thực sự của chuyến thăm này với Việt Nam là gì?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Theo tôi được biết thì chỉ có một số người Việt nam ở hải ngoại và khá nhiều người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài và người Việt cư trú ở nước ngoài tỏ ra mừng rỡ trước sự kiện này. Còn nói chung thì người Việt Nam ở trong nước và một số lớn người Việt ở nước ngoài coi đây là một sự kiện bình thường trong quan hệ đối ngoại quốc phòng của Việt Nam.
Một số báo mạng và trang thông tin mạng của Việt Nam đã bày tỏ không đúng quan điểm của đa số người dân Việt Nam. Họ đã nói quá lên về sự kiện này. Trong khi trước đó, đã có không ít lượt tàu sân bay của Mỹ đi qua Biển Đông đã đón các đoàn đại biểu của Bộ Quốc phòng và các quân chủng không quân, hải quân Việt Nam lên thăm.
Sputnik: Một số chuyên gia viết rằng, việc một tàu sân bay đến Việt Nam, cũng như các chuyến thăm tiếp theo tới Malaysia và Philippines, nhằm mục đích khẳng định sự thống trị của Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương và là một thông điệp gửi tới Trung Quốc. Ông có cho rằng, việc này sẽ đẩy Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Đây là một nhận định hết sức sai lầm. Đọc các thông tin trên mạng về việc này, tôi thấy có đến trên 45% thông tin đó được viết bằng tiếng Việt. Vậy là một phần ý nghĩa của thông tin đó đã được thể hiện rõ. Nó có ẩn ý của một thông điệp rằng "muốn bảo vệ chủ quyền của mình, Việt Nam nên liên kết với Mỹ, nói trắng ra là đi theo Mỹ.
Tuy nhiên, trái với nhận định trên thì người Trung Quốc phản ứng một cách hết sức thận trọng. Đơn giản là vì đây không phải là lần đầu tiên, tàu sân bay của Mỹ đi qua Biển Đông. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên, Hải quân Mỹ thực hiện những chuyến tuần tra trong khu vực này. Tàu sân bay Mỹ vẫn có mặt trên tất cả các đại dương (trừ Bắc Băng Dương) và các vùng biển lớn trên thế giới, trong đó có Biển Đông, nên việc tàu sân bay Carl Winson ghé cảng Đà Nẵng cũng không có gì là lạ.
Còn việc người Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự mà theo tôi được biết, thì kinh phí quốc phòng của Trung Quốc năm 2018 vào khoảng 174,8 tỷ USD, tăng 8.1% so với năm 2017, chiếm 1,3 GDP của nước này. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi tờ "Hoàn cầu thời báo" nói trắng ra rằng, Trung Quốc đang phải đối phó với sự khiêu khích của Mỹ ở Biển Đông, sự phức tạp trong eo biển Đài Loan và liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Úc.
Thế nhưng tờ báo "Tuổi Trẻ", cơ quan của Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 8-3-2018 lại chỉ giật cái tít là "Trung Quốc giải thích tăng ngân sách quốc phòng vì Biển Đông và Đài Loan". Cái tít được giật này có 1/3 là sai, 1/3 là lập lờ và 1/3 là giấu đi. 1/3 sai là tờ "Thời báo hoàn cầu" không nói đến Đài Loan mà chỉ nói đến "Eo biển Đài Loan". Đây là một sự xuyên tạc của tờ Tuổi Trẻ. 1/3 thứ hai là "vì sự khiêu khích của Mỹ ở Biển Đông" chứ không phải là "vì Biển Đông". Đây là sự lập lờ đánh lận con đen. 1/3 còn lại là "liên minh Mỹ-Nhật-Úc". Không nói thì ai cũng biết, Nhật Bản và Astralia là những nước có hiệp ước liên minh quân sự với Mỹ. Giấu, hay không giấu, thì vẫn thế thôi.
Riêng tôi cho rằng, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự. Bởi họ có nhiều mục tiêu, trong đó, có mục tiêu vượt qua Mỹ để trở thành nước có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới, vượt qua Nga để trở thành nước có lực lượng quân sự hiện hữu mạnh thứ hai thế (trừ vũ khí hạt nhân). Trong những năm qua, Trung Quốc vẫn liên tục bồi đắp các bãi san hô ngầm ở Biển Đông trở thành các đảo nổi để thiết lập các căn cứ hỗn hợp đa năng quân sự và kinh tế như Chữ Thập, Xubi, Vành Khăn… Vậy thì dù cho một hay vài tàu sân bay Mỹ có ghé thăm hay không ghé thăm Đà Nẵng trong năm nay hay một vài năm tiếp theo thì việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự quốc phòng vẫn cứ diễn ra.
Sputnik: Việt Nam có kế hoạch phát triển hợp tác với các cường quốc hàng hải khác và mời các tàu ghé cảng của mình?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Không phải đến bây giờ, Việt Nam mới có kế hoạch hợp tác về hàng hải quân sự với các nước và mời các tàu chiến nước ngoài ghé thăm cảng của mình.
Tôi còn nhớ trong lịch sử rằng dưới sự thống trị của thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn vào năm 1905, đã có một tuần dương hạm của Nga mang tên Avrora (Rạng Đông) ghé qua cảng Cam Ranh của Việt Nam trong chuyến hải hành đến biển Nhật Bản tham gia "Chiến tranh Nga-Nhật 1905". Và 12 năm sau, chính tuần dương hạm Rạng Đông đã nổ phát súng đầu tiên mở màn cho Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại ở Petrograd (sau này mang các tên gọi Leningrad và Sankt Petersburrg).
Từ năm 1976 đến năm 2004, quân cảng và sân bay Cam Ranh là căn cứ quân sự kiện hợp hải — không quân của Liên Xô và Nga tại Việt Nam, Đã có hàng trăm lượt những vũ khí chiến lược của Liên Xô và Nga như máy bay chiến lược, tàu ngầm hạt nhân chiến lược không chỉ ghé qua đây mà còn được sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng tại đây.
Từ năm 2004 đến nay, mặc dù Việt Nam chủ trương không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên đất nước mình nhưng Việt Nam vẫn mời các hạm đội tàu chiến của các nước Nga, Anh, Ấn Độ, Pháp, Ausralia, Trung Quốc và Mỹ ghé thăm các cảng của Việt Nam. Vì thế, việc một số báo chí Việt Nam làm rầm rộ chuyện tàu sân bay Mỹ ghé thăm Đà Năng vừa qua cũng chẳng khác mấy so với việc báo chí thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn Bảo Đại làm rầm rộ chuyện tàu sân bay Mỹ đến cảng Sài Gòn năm 1950.
Sputnik: Hải quân Việt Nam có vị trí như thế nào trong quốc phòng của Việt Nam, đặc biệt là hạm đội tàu ngầm được thành lập với sự giúp đỡ của Nga?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Việt Nam luôn chủ trương học thuyết quân sự phòng thủ với tinh thần độc lập, tự chủ thể hiện qua nguyên tắc ba không:
— Không tham gia liên minh quân sự
— Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam.
— Không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ Việt Nam để làm phương hại đến độc lập, chủ quyền của nước thứ ba.
Trên cơ sở đó, Việt Nam xây dựng lực lượng hải quân của mình với mục tiêu phòng thủ.
Không ít người đã đặt câu hỏi rằng, tại sao Việt Nam không đóng tàu sân bay? Tôi xin trả lời luôn rằng, tàu sân bay là phương tiện quân sự tấn công từ hướng biển. Trong kháng chiến chiến Mỹ, đế quốc Mỹ sử dụng không dưới 10 lượt tàu sân bay ở Biển Đông nhưng tất cả số đó đều chỉ dùng để đáng phá miền Bắc Việt Nam.
Ngày nay, Việt Nam được Liên Xô trước đây và Nga hiện nay giúp đỡ đã có phương tiên phòng thủ hữu hiệu hơn nhiều so với tàu sân bay. Đó là tên lửa bờ. Từ những năm 1980, hải quân Việt Nam đã có những tên lửa diệt hạm P-15 Termit đầu tiên với tầm bắn tời 80 km, trang bị cho cả trên bộ lẫn các tàu tên lửa lớp Orsa. Tiếp đó là các tên lửa diệt hạm kiểu P-5 Pyatyorka có tần bắn đến 460 km. Cho đén nay, ngoài Liên Xô/Nga, chỉ có 4 nước là Nam Tư, Bulgaria, Syria và Việt Nam sở hữu thứ vũ khí này.
Vào năm 2011, Nga đã cung cấp cho Việt Nam hệ thống tên lửa phòng thủ bờ P-800 Oniks thường được gọi là hệ thống Bastion P-800. Nó có tầm bắn đến 600km và tốc độ gấp 2,5 lần tốc độc âm thanh. Ở Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam và Indonesia sở hữu loại vũ khí này.
Gần đây, Nga đã cung cấp cho Việt Nam tên lửa hành trình đối hải Kh-35 sử dụng trên hạm có tầm bắn đến 350 km và đặc biệt là tên lửa 3M-54-KlubS (thường gọi là "Kalibr") có cả hai tính năng đối đất và đối hải. Nó có thể được phóng từ tàu nổi và cả tàu ngầm.
Về phương tiện chiến đấu dưới mặt nước thì hạm đội tàu ngầm Varshavianka của Việt Nam với 3 cặp tàu hiện là lực lượng tàu ngầm mạnh nhất Đông Nam Á. Tàu ngầm Varshavianka theo dự án 636 mà Mỹ và phương Tây định danh là "Kilo" tuy chỉ sử dụng độc cơ Diezel- Điện nhưng lại là loại tàu ngầm có độ im lặng lớn nhất trong tất cả các tàu ngầm chiến đấu trên thế giới hiện nay. Tác chiến ngầm dưới biển giống như tác chiến của đặc công dưới nước hoặc trên bộ hay ít nhất cũng như lính bắn tỉa. Giữ được bí mật của mình cũng là điều kiện tiên quyết để tiêu diệt nhiều sinh lực địch nhất, đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất. Vì vậy, việc thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189 có ý rất lớn về thực tiễn trong chiến lược phòng thủ biển của Việt Nam. Với việc thành lập lữ đoàn 189 với 6 tàu ngầm Varshavianka, Việt Nam đã phát triển thêm một không gian tác chiến thứ tư: Không gian tác chiến ngầm dưới biển.
Về trang bị vũ khí, tôi chỉ có thể nói rằng các tàu ngầm của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã được phía Nga cũng cấp những vũ khí hiện đại hơn hẳn so với những phiên bản mà Nga đã bán cho Trung Quốc và các nước khác. Những vũ khí này sẽ giúp bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, vùng đất, vùng biển, vùng trời của Việt Nam một cách hữu hiệu nhất.
Một lần nữa, tôi nhắc lại rằng, chuyến ghé thăm Đà Nẵng của tàu sân bay Mỹ Carl Winson là sự kiện đối ngoại quốc phòng hoàn toàn bình thường của Việt Nam với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, làm bạn với tất cả các nước, hợp tác trên cơ sở tôn trọng quyền độc lập, tự chủ của mỗi bên, các bên cùng có lợi; tránh đối đầu, tránh chiến tranh, tránh bị lôi cuốn vào các cuộc xung đột không liên quan đến mình.