Bài viết "Trận chiến cuối cùng Trung Quốc đánh, người Việt Nam miêu tả khiến tôi kinh ngạc" của tác giả Bổ Nhất Đao, do Lý Lâm Chi biên tập đưa ra nhận định sai lệch về vụ thảm sát Gạc Ma;
Đồng thời bài viết này còn có những bình luận thể hiện nhận thức lệch lạc của một số học giả Trung Quốc chuyên nghiên cứu Việt Nam về lịch sử quan hệ bang giao hai nước, cũng như các vấn đề phức tạp trên Biển Đông.
Chúng tôi đã lần lượt dẫn lại các nội dung đánh giá và luận điểm của các tác giả, đồng thời phân tích và phản biện trên tinh thần khoa học, khách quan, ngõ hầu làm sáng tỏ vấn đề.
Bài viết này cũng theo trật tự các bài trước, xin giới thiệu đến quý bạn đọc các ý kiến "tham mưu" của tác giả Bổ Nhất Đao cho lãnh đạo Trung Quốc trong phần dịch (in nghiêng), và có đôi lời bình luận. Tiêu đề phụ trong bài do chúng tôi đặt.
Bổ Nhất Đao cổ vũ Trung Quốc "dùng gậy" với Việt Nam?
"4. Việt Nam đã hành động nhiều như thế, chúng ta (Trung Quốc) phải làm sao? Đàm phán e rằng khó có kết quả, bởi vấn đề liên quan đến lãnh thổ, không ai có thể nhượng bộ.
Năm 2014 Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang từng công khai tuyên bố, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam kiên quyết không nhượng bộ.
Ông dẫn câu chuyện lịch sử liên quan đến biên giới lãnh thổ thời Hậu Lê trong Đại Việt Sử ký toàn thư: nếu ai tự ý nhượng bộ sẽ bị trọng tội chu di cửu tộc.
Với các tranh chấp đảo, đá trên Biển Đông hiện nay thì biện pháp giải quyết thực tế nhất là, các nước đương sự nên quản lý chặt chẽ các điểm khác biệt.
Chúng ta rất khó có thể mong đợi một nước Việt Nam hữu hảo với Trung Quốc trên Biển Đông;
Nhưng Việt Nam cũng không dễ ngồi nhìn quan hệ Việt — Trung bị sụp đổ, bởi điều này sẽ làm gián đoạn tiến trình đổi mới của Việt Nam.
Tiếp đó, Việt Nam sẽ vẫn tìm mọi sơ hở của chúng ta, tiếp tục tung hoành trong khu vực và quốc tế, thậm chí không loại trừ khả năng khiêu khích có giới hạn đối với Trung Quốc.
Trong Chiến lược An ninh quốc gia mới của Mỹ, Washington xem Việt Nam là đối tác trên Biển Đông. Mối quan hệ "già nhân ngãi non vợ chồng" Việt — Mỹ trên Biển Đông là một mối uy hiếp đối với Trung Quốc.
Nước Biển Đông đã bị khuấy đục rồi. Chỉ cần chúng ta triển khai hành động trên Biển Đông là có thể gặp phải các loại thách thức lẫn chỉ trích. Chúng ta phải dũng cảm đối mặt.
Trên một bình diện khác, chúng ta có thể nghiên cứu các làm của Việt Nam để có biện pháp.
Với Trung Quốc mà nói, chỉ dùng đầu lưỡi khiển trách các hành động của Việt Nam trên Biển Đông là không đủ, việc tăng cường sự hiện diện trên thực tế ở Biển Đông quan trọng hơn.
Khi nào Biển Đông trở thành dòng chảy của tàu bè, hàng hóa và con người Trung Quốc, thì không chiếm cũng được, đây nên là một lựa chọn.
Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt nói rất hay: miệng vẫn ôn tồn, gậy lớn trong tay!
Xin gửi lời cảm ơn Thường trực Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Tư Trấn Đào, nhà nghiên cứu Tôn Tiểu Nghênh của Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Học giả Trung Quốc về các vấn đề biển Lưu Phong." [1]
Những phát biểu nông cạn tư duy, lời lẽ hiếu chiến che đậy nỗi sợ lẽ phải
Chúng tôi cho rằng, một khi đã tham vấn các chuyên gia Trung Quốc chuyên nghiên cứu về Việt Nam, thì ít nhiều bài viết của tác giả Bổ Nhất Đao cũng phản ánh một mặt bằng nhận thức nhất định từ phía nghiên cứu Trung Quốc về quan hệ Việt — Trung cũng như Biển Đông.
Thứ nhất, trên Biển Đông có nhiều tranh chấp khác nhau do Trung Quốc tạo ra, bao gồm:
Tranh chấp địa chính trị Trung — Mỹ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, tranh chấp áp dụng và giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Tác giả Bổ Nhất Đao và một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng "đàm phán e rằng khó có kết quả, bởi vấn đề liên quan đến lãnh thổ, không ai có thể nhượng bộ" là đang cố tình không hiểu gì về đàm phán, hay sợ đàm phán nên "đánh bài chuồn"?
Bởi lẽ, không ai có thể nhượng bộ vô nguyên tắc trong đàm phán, nhưng không cuộc đàm phán nào có kết quả khi bên nào cũng khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình mà bất chấp luật lệ, lý lẽ.
Những gì có đủ bằng chứng pháp lý rõ ràng và thuyết phục chiểu theo hệ quy chiếu pháp lý hai bên xác định để giải quyết tranh chấp, thì không thể có chuyện nhượng bộ.
Những gì hai bên đều không đưa ra được bằng chứng pháp lý thuyết phục chiếu theo hệ quy chiếu pháp lý được hai bên thỏa thuận lấy làm căn cứ giải quyết tranh chấp, thì phải tính đến các giải pháp thực tiễn quốc tế để cùng hướng tới mục tiêu chung.
Đó là tinh thần khoa học, khách quan và cầu thị, hoàn toàn không phải là nhượng bộ vô nguyên tắc.
Những gì không có căn cứ pháp lý thì không thể đàm phán, như đường lưỡi bò chẳng hạn.
Như thế chẳng khác nào Trung Quốc với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có vai trò rất lớn trong việc xây dựng Công ước, nay lại đi giật bát cơm trong tay nước khác rồi đòi đàm phán chia phần.
Học giả Trung Quốc Tiết Lực cũng đã từng đặt vấn đề với các học giả Việt Nam, rằng:
Giả sử Trung Quốc "nhượng bộ" đường lưỡi bò, thì Việt Nam sẽ nhượng bộ gì?
Chúng tôi cho rằng rút / hủy đường lưỡi bò là điều mặc nhiên chứ không phải "nhượng bộ", bởi nó không có căn cứ và đã bị Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 bác bỏ.
Chiêu bài biến không thành có rất hay được các học giả và các nhà đàm phán Trung Quốc sử dụng, nếu không tỉnh táo là có thể mắc bẫy.
Thứ hai, trong lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc, tranh chấp biên giới lãnh thổ Việt — Trung đã từng được giải quyết ổn thỏa thông qua đàm phán.
Theo Giáo Sư Phạm Cao Dương, Tiến Sĩ Sử Học Đại Học Paris- Sorbonne:
"Do thực tại địa lý, do hoàn cảnh nhân văn và lịch sử và do những quan niệm về chính trị, vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc là một vấn đề vô cùng phức tạp và tế nhị.
Vấn đề này đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu của lịch sử dân tộc Việt Nam và tồn tại cho đến tận ngày nay."
Tháng 6 năm Giáp Tý (1084), Thái sư Lê Văn Thịnh được Hoàng đế Lý Nhân Tông phái đến trại Vĩnh Bình (thuộc Cao Bằng ngày nay) để bàn nghị về việc cương giới với Chánh sứ nhà Tống là Thành Trạc.
Sau khi đã "phân giải mọi lẽ", nhà Tống chấp thuận trả lại cho Đại Việt 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (nay là phần đất ở phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng) mà họ đã chiếm trước đây, và cho thông sứ như cũ, theo Việt Nam sử lược, Đại Việt sử lược.
Tháng 4 năm Quý Tỵ (1473), Hoàng đế Lê Thánh Tông nói với các quan phụ trách việc bảo vệ biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng:
"Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ (nhà Minh, Trung Quốc) lấn dần.
Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian.
Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di." [2]
Lời dụ của Hoàng đế Lê Thánh Tông vừa là một mệnh lệnh, vừa là một sách lược bảo vệ lãnh thổ quốc gia, đảm bảo không nhân nhượng vô nguyên tắc trong đàm phán.
Năm 1728, vua Ung Chính nhà Thanh gửi sắc văn cho vua Lê Dụ Tông của Đại Việt trả lại mỏ đồng Tụ Long cho Việt Nam, theo Giáo Sư Phạm Cao Dương. [3]
Nhà Tống, nhà Minh, nhà Thanh còn biết nghe lẽ phải, không lẽ tác giả Bổ Nhất Đao và một số học giả lại muốn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bất chấp lý lẽ ngay giữa thời đại văn minh?
Bình luận của tác giả Bổ Nhất Đao về Việt Nam dưới đây, trong thực tế chính là miêu tả những gì Trung Quốc đã làm trên Biển Đông:
"Việt Nam sẽ vẫn tìm mọi sơ hở của chúng ta, tiếp tục tung hoành trong khu vực và quốc tế, thậm chí không loại trừ khả năng khiêu khích có giới hạn đối với Trung Quốc."
Chúng tôi có thể nhắc lại một số sự kiện:
1956 Trung Quốc chiếm nửa phía Đông Hoàng Sa khi Pháp với tư cách đại diện cho Nhà nước Việt Nam về đối ngoại rút quân khỏi Biển Đông.
Năm 1974 khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, sau thỏa thuận đi đêm Thượng Hải 1972 giữa Nixon với Mao Trạch Đông, Trung Quốc ra tay chiếm nốt nửa phía Tây Hoàng Sa.
Năm 1988 sau khi làm cho Việt Nam kiệt quệ về kinh tế vì 2 cuộc chiến bảo vệ biên giới, Liên Xô rút dần khỏi Cam Ranh, Trung Quốc ra tay thôn tính 6 bãi đá ở Trường Sa…
Bản thân một số nhà nghiên cứu Trung Quốc dường như rất thiếu tự tin về các bằng chứng chứng minh yêu sách "chủ quyền" của Trung Quốc với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa;
Dường như họ không đủ dũng khí tham mưu cho lãnh đạo nước mình giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.
Phải chăng vì thế các nhà nghiên cứu này mới dùng thủ đoạn lấp liếm, đánh tráo hệ quy chiếu pháp lý quốc tế bằng lập trường chính trị để bác bỏ đàm phán?
Còn việc cổ vũ "gậy lớn trong tay" ở Biển Đông chỉ càng cho thấy sự đuối lý nhưng lại thừa thói hành xử côn đồ.
Những tham mưu, đề xuất như thế này chỉ làm xấu thêm hình ảnh Trung Quốc trong mắt láng giềng và bạn bè quốc tế.
Và chính những tư duy bộc lộ "gen bành trướng" như thế này là nguyên nhân chính khiến tâm lý người Việt luôn cảnh giác, chứ không phải vì GDP, kích thước lãnh thổ hay quy mô dân số Trung Quốc lớn gấp nhiều lần Việt Nam như tác giả Bổ Nhất Đao lầm tưởng.
Chúng tôi không tin nhân dân Trung Quốc cũng như nhân loại yêu chuộng hòa bình lại ủng hộ những quan điểm hung hăng như vậy.
Và xin mượn lời cụ Giang Văn Minh nhắn nhủ tác giả Bổ Nhất Đao và những ai ôm mộng bành trướng bá quyền rằng, nước sông Bạch Đằng còn đỏ vì máu kẻ xâm lược năm nào.
Tài liệu tham khảo:
[2]http://www.bienphong.com.vn/vua-le-thanh-tong-voi-chu-quyen-giang-son-xa-tac/
3]https://www.nhatbaovanhoa.com/a3441/ts-pham-cao-duong-bien-gioi-vn-va-tq-qua-cac-trieu-dai-quan-chu-viet-nam
Theo: GDVN