Việt Nam đang tự thiết kế chiến hạm thế hệ mới
Giới chuyên gia và những người yêu thích quân sự rất bất ngờ với mẫu tàu mặt nước thế hệ mới của Việt Nam, vừa được ra mắt trong phóng sự "Nơi khởi nguồn những con tàu" phát trên kênh VTV2, giới thiệu về Viện Thiết kế tàu quân sự của hải quân Việt Nam.
Viện Thiết kế tàu quân sự Việt Nam được thành lập vào năm 2009, với chức năng là cơ sở nghiên cứu, thiết kế đầu ngành trong lĩnh vực đóng tàu quân sự của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, viện còn là nơi tư vấn cho Bộ Quốc phòng về định hướng quy hoạch phát triển, đóng tàu quân sự.
Viện Thiết kế tàu quân sự đã được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trang bị các hệ thống máy tính chuyên dụng với các phần mềm chuyên dụng thiết kế tàu hiện đại, phòng thí nghiệm và xưởng chế thử với các máy móc và trang thiết bị đo lường, kiểm thử hiện đại.
Trong tương lai không xa, Viện Thiết kế tàu quân sự sẽ làm chủ thiết kế các tàu quân sự như: tàu tuần tra cao tốc, tàu bổ trợ hiện đại, tiến tới phối hợp triển khai thiết kế, tích hợp vũ khí, khí tài cho các tàu chiến đấu, phù hợp với nhu cầu trang bị của các lực lượng trong quân đội.
Thiết kế tàu mặt nước thế hệ mới của Viện Thiết kế tàu quân sự hiện mới chỉ ở trong giai đoạn thiết kế đồ họa cơ bản (sẽ có nhiều thay đổi với thiết kế chi tiết) và không có thuyết minh về thông số kỹ thuật, nhưng chỉ với những nét phác thảo về hình dạng con tàu cũng cho chúng ta thấy được một số điểm ưu việt của những thiết kế tàu chiến hiện đại trên thế giới.
Thứ hai: Theo mô hình thiết kế trên, tàu sẽ được trang bị các hệ thống bệ phóng thẳng đứng đa năng, nên vừa có khả năng lắp nhiều loại vũ khí từ chống hạm cho tới phòng không tầm gần và tầm trung; vừa tiết kiệm diện tích nên làm tăng số lượng đạn mang theo.
Thứ ba: Điểm đặc biệt nhất là thiết kế tàu cho thấy nó có sẵn thiết bị thủy âm gắn vào thân tàu, do đó con tàu có thể thực hiện được nhiệm vụ chống ngầm. Đây là điều mà hải quân Việt Nam hiện còn đang thiếu và yếu; do đó, con tàu này sẽ là sự bổ sung quý báu cho lực lượng tác chiến chống ngầm của Hải quân Việt Nam.
Tính toán tỷ lệ đồ họa cho thấy, dường như con tàu nói trên có kích thước lớn hơn hẳn so với các tàu tên lửa Project 12418 lớp Molniya mà Nhà máy đóng tàu Ba Son đã tự đóng thành công 6 tàu, theo chuyển giao kỹ thuật của Nga.
Tuy nhiên, lượng giãn nước của mẫu tàu nói trên lại nhỏ hơn các tàu hộ vệ tên lửa Project 1166.1, lớp Gepard 3.9, dự kiến chiều dài của tài vào khoảng từ 80-90m, tổng trải trọng có thể đạt khoảng từ 1.200-1.500 tấn (tùy vào cấu hình vũ khí triển khai trên tàu).
Chiến hạm tàng hình Việt Nam tương tự chiến hạm thế hệ mới của Nga?
Thiết kế Project 20385 lớp Gremyashchy là thiết kế cải tiến vượt trội từ nguyên mẫu tàu hộ vệ hạng nhẹ Project 20380 Steregushchy, 2 mẫu chiến hạm này (cùng với tàu Project 22350 và Project 20381) đều do Nhà máy đóng tàu Severnaya Verfi chế tạo.
Hiện tại đã có một chiến hạm thuộc Dự án 20385 được bàn giao cho hải quân Nga là chiếc Gremyashchy (hạ thủy tháng 6/2017, biên chế cho Hạm đội Phương Bắc năm 2018), còn chiếc thứ hai là Provornyy dự kiến đến năm 2019 sẽ biên chế cho Hạm đội Biển Đen.
Tàu lớp Gremyashchy có chiều dài 105 m, chiều rộng 13 m, mớn nước 7,95 m, lượng giãn nước 2.200 tấn. Tàu trang bị 1 bệ pháo 100mm А-190, 2 bệ pháo 6 nòng 30 mm АK-630М; mang các trực thăng Kа-27PL.
Các tàu lớp Gremyashchy sẽ được trang bị 8 ống phóng thẳng đứng UKSK chứa tên lửa hành trình chống hạm P-800 Oniks (Onyx) hoặc Kalib-NK bố trí trước tháp điều khiển.
Tàu được trang bị hệ thống tên lửa phòng không hạm thế hệ mới nhất là Redut (hay còn gọi là Polyment-Redut, đặt theo tên lửa Redut và radar Polyment), có khả năng tiêu diệt các máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tên lửa hành trình. Khi cần thiết, hệ thống phòng không hạm đa năng Redut còn có khả năng tiêu diệt cả mục tiêu cơ động trên mặt nước.
Các tên lửa Redut được bố trí trong 2 cụm 8 ống phóng thẳng đứng ở đuôi tàu. Trong mỗi ống phóng có thể bố trí 1 tên lửa tầm trung М96Е (40-50km) hay tầm xa 9М96Е2 (120-150km), hay các tên lửa tầm ngắn 9М100 (10-15km).
Theo tuyên bố của giới quốc phòng, giá của chiến hạm lớp Gremyashchy chỉ vào khoảng 12,5 tỷ rúp là khoảng 378 triệu USD.
Tuy nhiên, khả năng được trang bị hệ thống phòng không tầm xa Polyment-Redut của tàu hộ vệ Việt Nam là khá thấp bởi tàu chỉ có lượng giãn nước chỉ từ 1200-1500 tấn. Cấu hình này chỉ phù hợp với hệ thống phòng không tầm trung đa kênh Shtil-1.
Hệ thống phòng không tầm trung đa kênh Shtil-1 có kích thước nhỏ gọn hơn, bao gồm cụm ống phóng thẳng đứng VLS 3S90E, sử dụng đạn tên lửa phòng không tầm trung, có tầm phóng 50km.
Với cấu hình trang bị hệ thống tên lửa đối hạm/đối đất Kalibr và hệ thống phòng không Shtil-1, tàu hộ vệ tàng hình thế hệ mới của Việt Nam sẽ có lượng giãn nước và hỏa lực tương đương với tàu hộ tống thế hệ mới Project 22160 của Nga. Lớp chiến hạm này có lượng giãn nước tùy chỉnh theo 3 loại là 1300 tấn, 1500 tấn và 1800 tấn.
Mặc dù chưa xác định được hết tham số kỹ thuật và tính năng nhưng với thiết kế thủy động lực học hiện đại, tàu hộ thế hệ mới là một bước tiến vượt bậc đối với ngành đóng tàu quân sự của Việt Nam, là bước đệm cần thiết cho việc đóng những con tàu có lượng giãn nước lớn hơn và có hệ thống vũ khí mạnh hơn, hiện đại hơn.
Với hệ thống vũ khí (được dự đoán) là sẽ mạnh hơn và toàn diện hơn các tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, chiến hạm trong tương lai của Hải quân Việt Nam sẽ là sự bổ sung cần thiết cho nhiệm vụ bảo tuần tra bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Theo: Báo Đất Việt