Nóng: Việt Nam có thể được nhận khinh hạm 2.000 tấn của Hàn Quốc?

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam mới đây đã cho biết, chính phủ nước bạn hiện “đang xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam về việc cấp thêm tàu”.
Sputnik

Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam vừa qua đã phát sóng hình ảnh chiếc tàu hộ vệ chống ngầm được Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại cho chúng ta, con tàu này vốn là chiếc Gimcheon (PCC 761) thuộc thế hệ thứ ba của lớp Pohang, sau khi về tới Dải đất hình chữ S nó đã nhận số hiệu mới là 18.

Việt Nam có thể nhận được tổng cộng 5 tàu Pohang Hàn Quốc?

Trước đó vào năm 2014, Seoul cũng đã cung cấp cho Cảnh sát biển Việt Nam một tàu tuần tra cũ 1.000 tấn thuộc lớp Sông Hàn, đây chính là tàu CSB 8003 đã đóng góp tích cực trong công cuộc thực thi chủ quyền trên biển Đông của chúng ta.

Tiếp đó, trong sự kiện đối ngoại chính sách quốc phòng Việt Nam — Hàn Quốc, chúng ta tiếp tục bày tỏ mang muốn và phía bạn cho biết sẽ cân nhắc việc bàn giao cho Việt Nam tàu tuần tra đã qua sử dụng.

tàu khu trục Hàn Quốc

Diễn biến mới nhất thông qua phát biểu của Đại sứ Hàn Quốc cho thấy triển vọng để Việt Nam được nhận thêm tàu từ Hàn Quốc trong tương lai là rất cao, bao gồm cả tàu tuần tra lẫn chiến hạm.

Chiến hạm tên lửa của Hải quân Hàn Quốc thăm Việt Nam mạnh cỡ nào?
Vậy nếu như phía bạn tiếp tục cung cấp tàu chiến cũ cho Hải quân Việt Nam thì ứng viên sáng giá gồm những chủng loại nào? Bên cạnh các tàu hộ vệ cỡ nhỏ lớp Pohang (phân hạng corvette) có thể được chuyển giao tiếp thì còn một đối tượng khác cũng rất đáng quan tâm đó là các khinh hạm lớp Ulsan.

Ulsan là lớp tàu hộ vệ tên lửa đa năng được đóng cho Hải quân Hàn Quốc trong giai đoạn 1980 — 1992 với tổng cộng 9 chiếc đã xuất xưởng, hiện nay có 6 tàu còn hoạt động trong khi 3 chiếc khác đã "nhận sổ hưu".

Khinh hạm lớp Ulsan có lượng giãn nước đầy tải 2.350 tấn; chiều dài 103,7 m; chiều rộng 12,5 m; mớn nước 3,8 m; thủy thủ đoàn 186 người trong đó có 16 sĩ quan.

Động cơ CODOG (kết hợp diesel — turbine khí) bao gồm 2 máy General Electric LM-2500 đi kèm với 2 máy MTU 538 TB 82 cho tốc độ tối đa 34 hải lý/h (63 km/h), tầm hoạt động 8.000 hải lý (15.000 km) khi chạy ở vận tốc kinh tế 16 hải lý/h (30 km/h).

Hệ thống điện tử của tàu gồm radar trinh sát đường không Signaal DA-08, radar dẫn đường hàng hải AN/SPS-10C, radar điều khiển hỏa lực ST-1802, sonar gắn liền thân Signaal PHS-32, sonar kéo TB-261K cùng hệ thống đối kháng điện tử ULQ-11K ESM/ECM, đi kèm 2 bệ phóng mồi bẫy Mk 36 SRBOC và SLQ-261.

Tin vui: Hàn Quốc cam kết viện trợ tàu Quân sự cho Việt Nam
Vũ khí trang bị cho tàu khá hùng hậu gồm 8 tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon, 6 ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Blue Shark, 2 pháo hạm Otobreda 76 mm/62 và 3 pháo Otobreda 40 mm/70. Đáng tiếc là tàu không được thiết kế với sàn đáp và nhà chứa trực thăng.

Hiện nay trong số 3 chiếc Ulsan bị loại biên thì 2 tàu (Ulsan và Seoul) đã được sửa đổi để đảm nhiệm vai trò bảo tàng nổi tại các thành phố Ulsan và Seoul, chiếc còn lại mang tên Chungnam (FF-953) mới chính thức "nhận sổ hưu" vào ngày 27/12 năm ngoái và đang trong tình trạng chờ xử lý.

Đây sẽ là một ứng viên sáng giá để Hàn Quốc chuyển giao cho một đối tác thân thiết về quốc phòng trong khu vực châu Á — Thái Bình Dương, vừa giúp thắt chặt quan hệ lại vừa đỡ tốn chi phí tháo dỡ.

Tuy rằng đã cũ nhưng khung thân của tàu chiến Hàn Quốc có độ bền tương đối và đi kèm theo đó là hệ thống vũ khí — khí tài trang bị khá toàn diện và mạnh mẽ. Do vậy, nếu điều kiện cho phép tiếp nhận thì đây sẽ là nguồn bổ sung rất tốt cho hạm đội tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam.

Theo: Thời Đại

Thảo luận