Liên quan tới vụ xe khách đâm xe cứu hỏa chạy người chiều trên cao tốc Pháp Vân — Cầu Giẽ (huyện Thường Tín, Hà Nội), sáng 25/3 luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đã đồng ý giúp đỡ tài xế xe khách về mặt pháp lý, theo thông tin từ Dân Việt.
"Đến nay đã có thêm 3 luật sư nữa đồng ý tham gia vụ việc. Trợ giúp anh Mạnh là một chuyện, vấn đề quan trọng hơn chúng tôi mong muốn làm sáng tỏ sự việc trên cơ sở quy định của luật pháp và thực tiễn. Có thể nói vụ tai nạn này là cực kỳ hy hữu, có rất nhiều ý kiến khác nhau, chính vì thế rất cần được làm sáng tỏ", luật sư Nam bày tỏ.
Vụ va chạm giữa xe khách và xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ xảy ra lúc 16h30 ngày 18/3 trên cao tốc Pháp Vân — Cầu Giẽ. Vụ tai nạn khiến Trung sĩ Chử Văn Khánh (25 tuổi, chiến sĩ nghĩa vụ Đội Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ) hy sinh và 7 người khác bị thương.
Ngay sau vụ tai nạn, chiều 22/3 tài xế xe khách Đỗ Hùng Mạnh đã làm việc với Công an TP. Hà Nội về những nội dung liên quan đến vụ tai nạn xảy ra, Đất Việt đưa tin.
"Do chân tôi vẫn còn rất đau, chưa thể di chuyển xa được nên công an đã về địa phương làm việc. Buổi làm việc cũng không quá căng thẳng, có như nào tôi khai như vậy" — anh Mạnh nói.
Vụ tai nạn gây ra nhiều y kiến trái chiều. Phân tích vụ việc, một số chuyên gia vật lý phân tích cho rằng, thời điểm xảy ra tai nạn anh Mạnh đang chạy với vận tốc 87km/giờ, tương đương khoảng 22m/giây. Trong đoạn băng ghi hình cho thấy, chiếc xe cứu hỏa bắt đầu nhập đường cao tốc đến khi xảy ra tai nạn khoảng 7 giây. Như vậy, lúc đó xe khách đang cách xe cứu hỏa khoảng 150m.
Trong khi Thông tư năm 2015 của Bộ GTVT, với đoạn đường cao tốc Pháp Vân — Cầu Giẽ khoảng cách tối thiểu giữa các xe là 100m để đủ khả năng xử lý khi có chướng ngại vật. Như vậy, với khoảng cách 150m, tại sao tài xế xe khách lại không kịp né tránh?
"Thời điểm xe cứu hỏa nhập làn, đi ngược đường cao tốc tôi chỉ cách đó vài chục mét. Đến khi xe cứu hỏa tiến sang làn ngoài cùng đường cao tốc thì tôi đã ở rất gần, không thể xử lý kịp…", anh Mạnh kể.
Nguồn: sohuutritue