Theo nghiên cứu trên, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chi tiêu mua sắm mạnh tay nhờ kinh tế năng động khiến thu nhập hộ gia đình tăng lên. Xu hướng chi tiêu này được dự báo sẽ còn tiếp tục, trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng Việt Nam về nền kinh tế đang ở trạng thái lạc quan cao nhất trong 3 năm qua. Nghiên cứu cũng kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế chủ chốt của khu vực. Trong năm ngoái, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% và đang được kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ cao hơn trong năm nay.
Qua cuộc điều tra với 5.000 người tiêu dùng ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, nghiên cứu đánh giá giới trẻ Việt Nam lạc quan nhất trong nhóm các nước này về triển vọng kinh tế nước mình. Việt Nam cũng đang trở thành địa điểm thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. Từ năm 2009, riêng Tập đoàn Hàn Quốc Samsung đã đầu tư vào Việt Nam 17 tỷ USD. Năm ngoái, gần một nửa lượng điện thoại thông minh được tập đoàn này xuất xưởng ra thế giới đều đến từ nhà máy ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Financial Times cũng nhận định những thách thức mà Chính phủ Việt Nam phải đối mặt để duy trì tăng trưởng kinh tế cũng không hề nhỏ trong bối cảnh nợ công tăng cao và ngân sách eo hẹp. Năm 2018 cũng là năm Việt Nam sẽ dần thực hiện các cam kết của 16 hiệp định thương mại tự do, theo đó hàng loạt thuế suất sẽ giảm về 0%, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Theo: Financial Times, TTXVN