Những ngày qua, nền kinh tế Việt Nam liên tiếp đón nhận hai tin mừng rất đáng chú ý.
Thứ nhất, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Australia mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong quý I năm 2018, mức tăng trưởng GDP dự kiến đạt trên 7,4%, sau khi đạt mức 6,81% trong năm 2017. Ông cũng nhấn mạnh hiện Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới và kỳ vọng bình quân năm 2018 sẽ đạt 7-7,5%.
Thông tin đáng chú ý thứ hai là việc thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 22/3 đã chính thức xác lập kỷ lục mới khi VN-Index đóng cửa tại ngưỡng 1.172,36 điểm, vượt qua đỉnh cũ ngày 12/2/2007 là 1.170,67 điểm.
Nhưng điều đáng mừng hơn nữa là theo các chuyên gia, sự bứt phá của tăng trưởng GDP và thị trường chứng khoán Việt Nam đang dựa trên một nền tảng vĩ mô ổn định. Đánh giá của giới chuyên gia, doanh nghiệp từ hàng loạt hội nghị, hội thảo gần đây cũng cho thấy niềm tin của thị trường, của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được củng cố.
"Rõ ràng, môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những cải thiện rất ấn tượng dưới sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hành trình chuyển lửa về các địa phương đã mang lại kết quả tích cực", TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá.
Ở cấp độ quốc gia, những chỉ số phản ánh về chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đã được cải thiện, phản ánh những kết quả tích cực của nỗ lực phòng chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện.
"Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy: 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây", theo Chủ tịch VCCI.
Đáng chú ý, kịch bản tăng trưởng cơ sở các quý được nhận định là sẽ tăng dần đều, chứ không có sự chênh lệch nhiều như trong năm 2017. Theo đó, dự báo mức tăng trưởng GDP trong quý 2 sẽ là 6,61%, quý 3 là 6,98% và quý 4 chốt hạ ở mức 7,21%.
Còn theo một khảo sát mới đây tại hội thảo "Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh", có tới 46% khách mời tin rằng GDP của Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng từ 6,5-7% trong năm nay; 27% tin vào mức tăng trưởng trên 7%.
Nhìn xa hơn, những ngày qua, nhiều ý kiến trên các diễn đàn cũng nhắc tới kỳ vọng về một giai đoạn tăng trưởng ổn định mới của Việt Nam, như giai đoạn Chính phủ nhiệm kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải. Nhiều ý kiến nhắc lại, bình quân tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 1997-2006 là cao nhất và ổn định nhất (trung bình 7%/năm), đồng thời đảm bảo được ổn định vĩ mô, vừa tạo được nhiều nhân tố mới cho tăng trưởng; tỷ lệ nợ công luôn đạt dưới 50% GDP.
"Thủ tướng Phan Văn Khải là người thực hiện triệt để nhất nguyên tắc Nhà nước chỉ tập trung vào sửa chữa các khuyết tật của thị trường, đảm bảo công bằng và để thị trường làm nhiều hơn những gì thuộc về chức năng của nó. Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra gần đây cũng thuộc tư tưởng này", ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Fulbright, nhận định.
"Tôi cũng hy vọng giai đoạn 2016-2020, kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn 2011-2015, chấm dứt xu hướng cứ 5 năm sau thì tăng trưởng lại chậm hơn 5 năm trước", ông Trần Du Lịch bày tỏ.
Nhận định về sự kiện vượt đỉnh của chứng khoán, trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng — Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhận định, nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán có bước phát triển vượt kỳ vọng nhờ chính sách Chính phủ không huy động và phân bổ nguồn lực, để cho các thành phần kinh tế chủ động huy động nguồn lực. Ông Hưng cho rằng, nếu Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách này thì sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo.
"Chắc chắn năm nay thị trường chứng khoán sẽ là năm tốt nhất kể từ khi thành lập đến nay. Nếu Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách này thì sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo", ông Nguyễn Duy Hưng nhận định.
Mặc dù tâm lý lạc quan là chủ yếu, song các ý kiến chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp trên các diễn đàn cũng chỉ ra nhiều vấn đề của nền kinh tế hiện nay và đưa ra nhiều khuyến nghị đáng chú ý.
"Với một nền kinh tế dựa vào khu vực FDI chủ yếu là sản xuất gia công, Việt Nam có thể sẽ bước vào "bẫy giá trị thấp". Động lực từ khu vực này đóng góp thiếu bền vững vào tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam", PGS. TS. Tô Trung Thành, thành viên nhóm nghiên cứu, khẳng định.
Trên thực tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, bên cạnh yêu cầu "liêm chính" và "hành động", Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã luôn đặt trọng tâm vào các quyết sách nhằm "kiến tạo" những cơ hội bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, cùng với yêu cầu "phục vụ", luôn vì lợi ích chung người dân và cộng đồng. Chính phủ cũng đánh giá đầy đủ những thách thức lớn trước mắt và luôn đặt mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành là "kiên quyết, kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng trưởng bằng mọi giá".
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn và thách thức, nhưng rõ ràng nền kinh tế Việt Nam đang hội tụ nhiều lợi thế và cơ hội cho một giai đoạn phát triển ổn định và thịnh vượng hơn.
Nguồn: Báo Chính Phủ