Mark Zuckerberg điều trần vụ rò rỉ dữ liệu: Facebook che giấu sự thật suốt 3 năm?

Mark Zuckerberg cho rằng công ty đã có nhầm lẫn khi không thông báo cho người dùng về sự cố Cambridge Analytica từ năm 2015.
Sputnik

Rạng sáng ngày 11/4, đồng sáng lập Facebook — Mark Zuckerberg đã điều trần trước Quốc hội Mỹ về bê bối rò rỉ dữ liệu của 87 triệu người dùng. Sự cố này bị ngờ vực là có khả năng đã tác động tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cả cuộc bầu cử tại Nga cách đây không lâu.

Hỏi khó: Người Việt có nên bỏ Facebook?

Liên quan tới sự cố rò rỉ dữ liệu của 87 triệu người sử dụng Facebook, Thượng nghị sĩ Kamala Harris thuộc Đảng Dân chủ ở bang California không hỏi trực tiếp liệu Facebook có lừa dối người dùng hay không; nhưng bà nhấn mạnh về việc liệu Facebook có phải đã quyết định không thông báo cho người dùng về sự cố Cambridge Analytica khi họ biết rõ vấn đề từ tận 3 năm trước rằng, dữ liệu của hàng triệu người đã bị một nhà nghiên cứu bán cho công ty tư vấn chính trị.

"Tôi đang nói về việc thông báo tới người dùng. Điều này liên quan đến vấn đề minh bạch và sự tin tưởng, đó là việc thông tin cho người sử dụng những gì bạn biết về việc thông tin cá nhân của họ bị lạm dụng", bà Harris nói.

Vì sao người Việt dễ bị Facebook lấy cắp thông tin?
Trả lời trước Quốc hội Mỹ, ông Zuckerberg không thừa nhận chuyện công ty đã quyết định không thông tin điều đó tới người tiêu dùng, song ông nói "công ty đã nhầm lẫn trong việc không thông báo cho người dùng".

Câu hỏi nói trên của bà Harris được đánh giá là hóc búa và đang đưa vụ việc đi đúng vào vấn đề của nó. Câu hỏi cũng từng dẫn đến cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang đối với Facebook vào năm 2011. Theo đó, nếu Facebook đã giữ bí mật thông tin như trên thì đó có thể là một hành vi lừa đảo.

Theo New York Times, những câu hỏi khó khăn của bà Harris đang được theo dõi sát sao, bởi vì bà thuộc vùng Vịnh San Francisco và được xem như một ngôi sao chính trị đang nổi lên trong Đảng Dân chủ.

"Facebook và Google là những mối đe dọa chính đối với xã hội"
Cũng trong buổi điều trần, các nhà lập pháp hỏi Zuckerberg rằng, ông đã làm gì để đảm bảo rằng điều đó sẽ không xảy ra nữa và liệu Zuckerberg có biết các hoạt động khác cũng đang thu thập dữ liệu tương tự trên nền tảng mạng xã hội Facebook hay không.

Về vấn đề này, Mark Zuckerberg nói rằng:

"Facebook sẽ điều tra hàng chục nghìn ứng dụng. Nếu chúng tôi phát hiện thấy bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào, chúng tôi sẽ nghiên cứu đầy đủ các ứng dụng đó để hiểu cách họ đang sử dụng dữ liệu và liệu có đang làm bất cứ điều gì đó bất hợp pháp. Nếu chúng tôi thấy rằng họ đang làm bất cứ điều gì không thích hợp, chúng tôi sẽ cấm họ khỏi Facebook và chúng tôi sẽ nói cho tất cả những người bị ảnh hưởng được biết".

Theo: Dân Việt

Thảo luận