Thưa Bộ Tài chính! Đừng "quăng bom" cho dân

Cách công bố thông tin theo kiểu “quăng bom” đối với một sắc thuế ảnh hưởng đến hàng chục triệu con người như thuế Tài sản đang thiếu sự chuẩn bị chu đáo, thiếu những phân tích, lập luận thuyết phục từ nhiều góc độ.
Sputnik

"Cảnh sát thuế" là một khái niệm được đề xuất cách đây vài năm, bởi Tổng cục Thuế, gửi đến các cơ quan lập pháp nước ta. Đại diện cơ quan này, khi ấy đã chia sẻ với tôi rằng đội ngũ này sẽ đảm nhiệm việc theo dõi, điều tra và sau khi có đủ bằng chứng, có quyền khởi tố người trốn thuế. Ngành Thuế xây dựng đề xuất này sau khi đã tham khảo kinh nghiệm một số nước.

Thuế nặng!

Nhưng đề xuất này không được đồng tình và đến giờ còn rất ít người nhớ. Tội trốn thuế, một tội hình sự, hiện vẫn do Cục Cảnh sát Kinh tế thuộc cơ quan công an có quyền điều tra và khởi tố.

Ở một số nước, "cảnh sát thuế" có nhiệm vụ đặc trưng, nghiệp vụ điều tra rất riêng biệt và đặc thù. Đội ngũ này rất quyền lực vì họ có thể đưa thẳng nghi can trốn thuế ra tòa và có thể vào tù không thông qua bên thứ ba. Ở Việt Nam, số tiền bị trốn thuế chưa bao giờ được ước lượng một cách công khai và chính thức. Cuối năm rồi, Bộ Tài chính báo cáo tổng số tiền nợ thuế là 74.912 tỷ đồng. Cơ quan này "phấn đấu tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách năm".

Dính hồ sơ trốn thuế Paradise: Đại gia Việt “không phải dạng vừa đâu”
Đó là một con số rất lớn. "Nợ thuế" tức là chưa mất, vì còn địa chỉ và còn có thể đòi được, nhưng số tiền thất thoát do trốn thuế thì chúng ta không biết và thiếu cơ chế để truy đòi. Trong giới ước đoán, số tiền đã bị trốn thuế hàng năm không hề nhỏ hơn so với số nợ thuế kia.

Bộ Tài chính tuần rồi vừa họp báo về dự án Luật Thuế Tài sản với mục tiêu "thu thêm hơn 30.000 tỷ đồng cho ngân sách". Tôi thầm nghĩ, nếu chúng ta thu đúng, thu đủ số tiền nợ thuế và giảm bớt trường hợp trốn lậu thuế, thì ngân sách nghiễm nhiên đã có thêm mấy chục nghìn tỷ đồng rồi, như lẽ ra nó vẫn phải có.

Nhưng tất nhiên là ngay cả khi ngân sách thu được mấy chục nghìn tỷ đồng đó, thì Nhà nước vẫn có thể đưa ra những luật thuế mới, mà Thuế Tài sản ở đây là một ví dụ. Vì thuế, quay về đúng sứ mệnh của nó, là một công cụ quản lý và vận hành xã hội của Nhà nước.

Nhưng từ quan sát của mình về cách truyền thông chính sách và phản ứng của dư luận, tôi thấy có mấy điểm cần lưu ý trong câu chuyện này:

Vì sao Việt Nam chưa nên đánh thuế nhà thứ hai thời điểm này?
Thứ nhất, cần khẳng định Thuế Tài sản ở đây là một sắc thuế mới. Nhà gắn liền với đất và nhà được coi là một loại bất động sản nhưng vì thuế sử dụng đất đã được thu rồi nên bây giờ Bộ Tài chính muốn đánh thuế vào nhà như một đối tượng độc lập với đất. Và bên cạnh nhà, dự án luật này còn đánh thuế một số loại tài sản khác như ô tô, máy bay, du thuyền, tư liệu sản xuất… Đây là một loại thuế trực thu đánh thẳng vào chủ tài sản.

Thứ hai, nhiều thắc mắc liên quan đến sắc thuế này cần được Bộ Tài chính làm rõ. Ở góc độ đối tượng phải chịu tác động trực tiếp đến túi tiền là người dân và doanh nghiệp, họ cần biết rõ hơn các chi tiết, mức thuế suất 0,4% dựa trên căn cứ nào? Ai sẽ thực thi quy trình định giá, phương thức định giá như thế nào, các công cụ định giá, tính thuế, thu thuế,… Chưa kể nhà, ô tô, máy bay, tàu thuyền, chúng đều là "tiêu sản" — giảm giá theo thời gian sử dụng kể cả khi giá đất tăng lên. Vậy lấy gì làm chuẩn neo giá các tài sản đó? 3 hay 5 năm sẽ điều chỉnh, điều chỉnh như thế nào? Những lỗ hổng thông tin cơ bản cần phải rất rõ với người dân.

Thứ ba, các chức năng của thuế như tạo nguồn thu cho ngân sách, phục vụ sự vận hành của bộ máy nhà nước, đảm bảo an ninh quốc phòng, cung cấp phúc lợi xã hội và dịch vụ công, điều tiết thu nhập; cùng với các nguyên tắc thuế cần tuân thủ như công bằng, bình đẳng, hiệu quả trong trường hợp thuế Tài sản sẽ được thực hiện như thế nào và bằng cách nào? Chẳng hạn, thuế này sẽ điều tiết thu nhập, hành vi tiêu dùng của ông chủ "biệt thự 6 con gà vàng" và người đang chỉ có ngôi nhà rách ra sao? Cả hai, liệu họ có sống tốt hơn và cảm thấy công bằng hơn?

Nan đề nghịch lý thuế ở Việt Nam
Cách công bố thông tin theo kiểu "quăng bom" đối với một sắc thuế ảnh hưởng đến hàng chục triệu con người như thuế Tài sản đang thiếu sự chuẩn bị chu đáo, thiếu những phân tích, lập luận thuyết phục từ nhiều góc độ. Đặc biệt, đứng từ góc độ những người chịu ảnh hưởng của chính sách, nó tất yếu gây ra sự ngỡ ngàng, bất ngờ cho dư luận xã hội, thậm chí phản ứng tiêu cực từ phía người dân.

Thuế là một từ vốn không được ưa thích nên nó còn được gọi là gánh nặng thuế (tax burden). Chẳng ai thích "gánh nặng" cả, họ chỉ chấp nhận ở chỗ nó có hợp lý hay không mà thôi. Người dân và doanh nghiệp, nếu buộc phải nhận gánh nặng ấy, họ cần được lý giải tại sao, nó có công bằng cho tất cả các bên chứ không phải nghe đi nghe lại điệp khúc quen thuộc "các nước đã đánh thuế" nên mình cũng vậy. Những lập luận một chiều, áp đặt, không gây bất bình mới là lạ.

Chuyện đánh thuế hay không nhiều khi không quan trọng bằng chuyện đánh thuế thế nào. Cách thu thuế, thực tế còn nói lên cả cách chi.

Gần đây, chính phủ Pháp mới chỉ định tăng thuế suất thuế thu nhập cá nhân lên 75%, hàng loạt triệu, tỷ phú nước này đã tính dời sang nước láng giềng Luxembourg sống. Đó là một vế khác của sắc thuế mà không quốc gia nào mong đợi.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Nguồn: VNExpress

Thảo luận