Thiếu vắng hai dự luật quan trọng
Chiều 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình năm 2018. Điều đáng nói là trong chương trình không thấy có nhắc đến dự án Luật biểu tình và dự án Luật về Hội.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Dự án Luật biểu tình và dự án Luật về Hội hiện nay Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị được và chưa đưa vào dự kiến chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2019. Có nhiều đại biểu Quốc hội và thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã có ý kiến về sự chậm trễ này.
Hiến pháp năm 2013, kể cả trong bản Hiến pháp trước đây, vấn đề biểu tình của người dân cũng được đề cập, tuy nhiên đến nay vẫn thể chế hóa được như vậy là quá lâu.
"Vừa rồi Chính phủ có gửi báo cáo về đánh giá tác động xung quanh nội dung của dự án Luật về Hội cho cơ quan của Quốc hội. Báo cáo này thực hiện theo những yêu cầu của Quốc hội, làm rõ những yếu tố có liên quan còn có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chính thức xem đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng pháp luật thời gian nào, dường như việc lui lại thấy không có thời hạn. Còn liên quan đến dự án Luật biểu tình, Chính phủ chưa có gì gửi sang cơ quan của Quốc hội", đại biểu Xuyền cho biết.
Khó cũng phải sớm làm
"Việc biểu tình được Hiến pháp quy định từ rất lâu, nhưng nếu không được thể chế hóa bằng những quy định cụ thể thì người dân rất khó thực hiện quyền của mình, trong khi xã hội phát triển, nhu cầu của người dân ngày càng lớn. Rõ ràng viêc để chậm như vậy là trách nhiệm của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo", đại biểu Xuyền nói.
Tại Quốc hội khóa XIII và đầu nhiệm kỳ khóa XIV đã có nhiều đại biểu có ý kiến về vấn đề liên quan đến chậm trình dự án Luật biểu tình "Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và cá nhân tôi cũng từng có ý kiến nhiều lần. Trước hết, nói về dự thảo Luật về Hội, sự cần thiết có thể thấy rất cần. Mặc dù hiện nay có Nghị định để điều chỉnh hoạt động của hội, nhưng ở tầm Nghị định việc điều chỉnh chưa đầy đủ, tính chất pháp lý chưa cao. Trong khi hiện nay người dân tham gia rất nhiều hội khác nhau, hoạt động tự do. Có thể thấy hiện các hội phát triển rất rầm rộ, có những chỗ hoạt động ảnh hưởng đến an ninh chính trị, có chỗ bị lợi dụng, nhưng chúng ta chưa có khung pháp lý rõ ràng để điều chỉnh", đại biểu Xuyền nói.
Sáng 16.3.2015, thay mặt Chính phủ, ông Hà Hùng Cường lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình sang Quốc hội khóa sau. Cụ thể, thời hạn trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII (giữa năm 2015) sang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2016).
— Ngày 26.7.2016, giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói: "Dự án Luật biểu tình đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này.
— Ngày 22.4.2017, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự án Luật biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 và năm 2016, do phức tạp nên đã bị lùi, hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo: Dân Việt