Sáng 26/4, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học và tọa đàm khu vực thường niên năm 2018 với chủ đề "Năng lực nhà nước đối với cải cách khu vực công và phát triển quốc gia ở các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc".
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo về việc Bộ Nội vụ vừa qua đề xuất hợp nhất, sáp nhập một loạt sở ngành, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết đây là một trong những nội dung Bộ đang triển khai theo đề án của Nghị quyết 18.
Hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Ông Cường đánh giá việc sáp nhập hàng loạt sở, ngành là vấn đề khá đụng chạm nên trong thực tế triển khai sắp xếp tinh gọn bộ máy để giảm biên chế có thể sẽ gặp vướng mắc, nhất là về con người.
"Bộ Nội vụ cũng phải sắp xếp và cũng phải dựa trên chức năng nhiệm vụ tương đồng để hợp nhất, sáp nhập và tuỳ tình hình thực tế của từng địa phương chứ không phải cộng cơ học", Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định và cho biết thêm, để thuyết phục sự đồng thuận của các địa phương và đảm bảo mục tiêu tinh gọn bộ máy, Bộ Nội vụ đã đưa ra nhiều phương án khác nhau, dựa vào tình hình thực tế của các tỉnh khác nhau để thực hiện sao cho phù hợp.
Việc này phải có lộ trình để giải quyết chứ trong một lúc không thể giải quyết được ngay.
Ông khẳng định nếu đề án này được triển khai sẽ tác động rất tốt đến bộ máy hành chính hiện nay.
Qua thời gian ban đầu, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết các địa phương có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu chung lại đều ủng hộ việc sắp xếp các sở làm sao có chiều hướng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Thông tin về việc sắp xếp các cơ quan trong chính Bộ Nội vụ, ông Cường cho hay, hiện nay Bộ Nội vụ đã tiến hành sáp nhập 1 số đơn vị. Cụ thể sáp nhập các trường bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo từ 8 còn 2 đầu mối là Học viện Hành chính Quốc gia và Đại học Nội vụ.
Bộ đã giải thể các trường của Ban Tôn giáo, Ban Thi đua khen thưởng, Cục Văn thư lưu trữ và cả trường đào tạo, bồi dưỡng của bộ để sáp nhập về Học Viện hành chính quốc gia và Đại học Nội vụ.
"Chúng tôi thực hiện theo tình hình chung là đảm bảo quyền lợi cho anh em.
Những trường hợp không sắp xếp được thì bố trí anh em vào những vị trí phù hợp và vẫn bảo lưu các hệ số, vị trí của họ đảm bảo các chế độ, chính sách theo đúng quy định.
Theo phương án đề xuất của Bộ Nội vụ, trong số hơn 20 sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc, chỉ có 4 sở được đề xuất tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước, nhằm bảo đảm giữ ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, chuyên sâu gồm: Tư pháp; TN&MT; LĐ,TB&XH và Y tế.
Đối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương gồm: Sở Quy hoạch — Kiến trúc (thuộc UBND TP Hà Nội và TP.HCM) và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch, dự thảo đề xuất trao quyền để cấp tỉnh có thể xem xét quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập…
Theo Bộ Nội vụ, nếu thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thì có tên gọi là Sở Tổ chức — Nội vụ; hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra thì gọi là Kiểm tra — Thanh tra cấp tỉnh. Còn 3 văn phòng: Đoàn ĐBQH, UBND, HĐND cấp tỉnh hợp nhất thành văn phòng tham mưu giúp việc dùng chung với tên gọi là Văn phòng địa phương cấp tỉnh.
Với Sở GTVT và Sở Xây dựng có tên gọi mới là Sở GTVT — Xây dựng. Việc hình thành một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quản lý hạ tầng đô thị.
Còn hợp nhất Sở NN&PTNT với Sở Công thương sẽ có tên gọi mới là Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại.
Việc Sở TT&TT sáp nhập Sở VH,TT&DL, Bộ Nội vụ lý giải, tại một số tỉnh có địa bàn nhỏ, dân số ít thì yêu cầu quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản, in và phát hành… không lớn nên không cần thiết duy trì một sở tham mưu chuyên trách về các lĩnh vực nêu trên.
Trong trường hợp hợp nhất các sở này có tên gọi là Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao. Sở KH&CN và Sở GD&ĐT cũng được đề xuất sáp nhập với lý giải, các lĩnh vực trên có liên quan mật thiết với nhau.
Nguồn: Báo Giao Thông