Cuộc gặp lịch sử trên bán đảo Triều Tiên: Kỳ vọng và mong đợi dè dặt

Nhân sự kiện Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tại “Nhà Hòa bình” ở Bàn Môn Điếm vào ngày 27-4-2018, nhà báo Đan Thi của Sputnik đã thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền với GS-TS Mạch Quang Thắng, chuyên gia từ Học viện Hành Chính Quốc gia Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Sputnik

Đương nhiên vào thời điểm cuộc gặp trên bán đảo Triều Tiên vừa kết thúc, vẫn còn sớm để có thể đưa ra bình luận đánh giá toàn diện, tuy vậy GS-TS Mạch Quang Thắng có mấy nhận xét sơ bộ  như sau:

Khi nào thì sẽ diễn ra “phi hạt nhân hóa” hoàn toàn?
Thứ nhất, đây là sự kiện tích cực, vui mừng và rất đáng được hoan nghênh. Mà giờ phút này đúng là cộng đồng quốc tế đều đang vui mừng và hoan nghênh, dù là với bất kể động cơ nào, theo nhãn quan nào. Không vui mừng và hoan nghênh sao được khi hai người đứng đầu của hai Nhà nước đạt thỏa thuận với mục đích "hưởng ứng khát vọng lâu dài của người dân hai miền Triều Tiên về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất", trịnh trọng tuyên bố trước người dân hai miền Triều Tiên và toàn thế giới rằng, sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và vì thế, một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu. Sau đó là một loạt tuyên bố cụ thể để có thể triển khai trong thực tế.

Hai là, vẫn còn dè dặt để nhìn tới triển vọng thực hiện thỏa thuận này. Quan hệ quốc tế giữa các cộng đồng quốc gia suốt thời gian khá dài đã xói mòn niềm tin chiến lược. Hai miền Triều Tiên cũng vậy. Nay gió đổi chiều có vẻ quá nhanh,  dường như khiến công luận ngỡ ngàng. Do vậy, sự dè dặt trong niềm tin vào tương lai ở bán đảo này là có cơ sở, từ chỗ cái hố ngăn cách hai miền quá lớn.

Xoá bỏ ranh giới: Cuộc gặp mặt lịch sử của các nhà lãnh đạo Nam và Bắc Triều Tiên

Ba là, dù sao chăng nữa vẫn hào hứng cho từ cú hích độc đáo này phải đi tới thống nhất hai miền Triều Tiên thành một quốc gia. Đương nhiên quá trình thống nhất này phải có lộ trình, lắm gian nan và không thể sớm được. Và, như vậy, đây là một loại hình thống nhất đất nước rất đặc biệt, khác hoàn toàn với kiểu thống nhất nước Đức, thống nhất nước Việt Nam và thống nhất nước Yemen. Nếu nó diễn ra suôn sẻ thì đây là cuộc đoàn tụ không đổ máu. Chuyên gia khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ: "Biết rằng, việc thống nhất ở mỗi nước đều phụ thuộc vào hoàn cảnh riêng, cụ thể của từng nước vào bối cảnh quốc tế lúc đó, nhưng tôi mong đợi kiểu thống nhất này, sự thống nhất của lòng tin, của sự hòa giải và hợp dân tộc, của một khát vọng mang tính nhân bản của con người".

Cuộc họp lịch sử: vòng đàm phán đầu tiên giữa lãnh đạo của hai miền Triều Tiên kết thúc
Bốn là, những lực lượng bên ngoài bán đảo Triều Tiên, theo đó, cần thể hiện thái độ tích cực, xây dựng. Chúng ta đang sống trong  một thế giới đầy bất an hơn bao giờ hết. Ở đây, cục diện tiếp theo sẽ phụ thuộc nhiều vào thái độ của các nước lớn, nhất là Mỹ, Nga, Trung Quốc, rồi Nhật Bản. Nhìn lại lịch sử xa và gần, chưa mấy  tin vào tác động hành  xử của những nước lớn này đối với những gì đã và đang xảy ra ở cuộc gặp liên Triều. Liệu cuộc gặp cấp cao giữa Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên vào tháng 5-2018 tới sẽ diễn ra theo chiều hướng nào đây? Đó vẫn là một ẩn số, khó lường, bởi giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên cho đến giờ phút này vẫn không có Hiệp ước hòa bình, chính sách cấm vận trừng phạt với Bình Nhưỡng vẫn giữ hiệu lực. Hiện hữu khả năng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Và cả hai  nhà lãnh đạo ở Washington và Bình Nhưỡng đều là những nhân vật khó tiên liệu. 

Viễn cảnh thế giới hòa bình vẫn đang ở dạng khát vọng hơn là thực tế bởi hòa bình còn là giá trị mong manh. Nhân loại có quyền hy vọng vào những điều thánh thiện, để có thể khẳng định đó không phải là cái gì xa xỉ, — GS-TS Mạch Quang Thắng kết luận.

Thảo luận