“Vụ OceanBank là vụ án điển hình của loại tội phạm cơ chế”

Luật sư Vũ Xuân Nam cho rằng việc chi lãi ngoài xảy ra tại OceanBank là một vụ án điển hình của loại tội phạm cơ chế. Trong đó, tội phạm phát sinh bắt nguồn chính từ cơ chế chính sách quản lý điều hành kinh tế của Nhà nước.
Sputnik

Nguyên nhân dẫn đến vụ án

Ngày 26/4, tham gia bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thu Thủy — nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank, luật sư Vũ Xuân Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã đưa ra những chứng cứ không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình mà còn bảo vệ quyền và lợi ích cho tất cả các bị cáo trong vụ án xảy ra tại OceanBank.

Đại án Oceanbank: Bị cáo mang án tử tiếp tục kêu oan
Theo luật sư, khi đánh giá một tội phạm cần phải đánh giá đầy đủ các mặt khách quan, chủ quan của tội phạm bao gồm cả hoàn cảnh dẫn đến hành vi, động cơ, mục đích của hành vi. Trong vụ án này, việc chi lãi ngoài vượt trần lãi suất theo quy định tại Thông tư 02 của Hà Văn Thắm và các đồng phạm có thực sự "nguy hiểm cho xã hội" hay không, có thực sự "phá hoại nghiêm trọng chính sách tiền tệ của Nhà nước" hay không… vẫn còn nhiều điều phải tranh cãi, làm sáng tỏ.

Luật sư Nam đã đọc cho HĐXX nghe nội dung một số bài báo trên các trang báo chính thống được xuất bản cuối năm 2011, đầu năm 2012 sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị số 02 ngày 07/09/2011 về chấn chỉnh vi phạm trần lãi suất được ban hành. Nội dung các bài báo này phản ánh thực trạng hầu hết các ngân hàng khi đó đều công khai hoặc lén lút chi lãi ngoài vượt trần lãi suất, vi phạm Thông tư 02 quy định về trần lãi suất và Chỉ thị 02 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện nghiêm túc Thông tư 02. Theo luật sư, đây là những chứng cứ khách quan nhất, chính xác nhất, trung thực nhất về hoàn cảnh, điều kiện khi xảy ra các vi phạm tại OceanBank liên quan đến việc chi lãi ngoài cho khách hàng trên toàn hệ thống.

Những chứng cứ này cho thấy cuộc đua tranh giành khách hàng giữa các ngân hàng khốc liệt ra sao, tỷ lệ các ngân hàng vi phạm trần lãi suất là bao nhiêu trước và sau khi Chỉ thị 02 của NHNN về chấn chỉnh vi phạm trần lãi suất được ban hành.

Vào thời điểm cuối năm 2011 và đầu năm  2012, khi NHNN giới hạn trần lãi suất một cách đột ngột bằng biện pháp hành chính muốn điều chỉnh lãi suất trên thị trường đang từ 20%/năm xuống 14%/năm, thị trường đã phản ứng tiêu cực, thể hiện qua một số hệ lụy gồm:

Siết chặt an ninh tại phiên xử phúc thẩm đại án Oceanbank
Hầu hết các ngân hàng đều vi phạm quy định về trần lãi suất huy động. Ngân hàng nào không trả lãi ngoài, không huy động được vốn trên thị trường 1 đành quay sang huy động trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) do thị trường này không bị ràng buộc bởi Chỉ thị 02 nên vẫn duy trì mức lãi suất cao.

Các ngân hàng dư tiền mặt đã giảm cho vay trên thị trường 1 để cho các ngân hàng yếu thanh khoản vay trên thị trường 2. Các khoản vay này giữa các ngân hàng trên thị trường 2 không còn mang ý nghĩa các khoản vay siêu ngắn để xử lý mất cân đối thanh khoản tạm thời, mà biến thành các khoản vay huy động vốn để ngân hàng cho vay trên thị trường 1.

Hệ quả là giữa các ngân hàng xuất hiện việc không trả đúng hạn các khoản vay siêu ngắn, chiếm dụng tiền vay trên thị trường 2 để cho vay trên thị trường 1, xuất hiện tình trạng vay trên thị trường 2 cũng phải có tài sản bảo đảm.

"Một quy luật tất yếu là nếu chính sách điều chỉnh thị trường trái với quy luật thị trường thì thị trường sẽ tự điều chỉnh cho đúng quy luật", luật sư Vũ Xuân Nam nói.

"Trong trường hợp đối với Chỉ thị 02, sự điều chỉnh này thể hiện dưới hình thức đi vay/huy động vốn vượt trần và tình trạng vay huy động vốn trên thị trường 2. Trong vụ án này, VKS cáo buộc các bị cáo về hành vi phá hoại chính sách tiền tệ, trong khi chính Thông tư 02 ngày 3/3/2011 và Chỉ thị 02 ngày 7/9/2011 đã phá vỡ các quy tắc, quy luật, chức năng vận hành trên hai thị trường vốn, làm méo mó chức năng hỗ trợ thanh khoản trên thị trường 2, biến thị trường 2 thành thị trường huy động vốn để cho vay trên thị trường 1. Dù không phổ biến và không kéo dài, nhưng hiện tượng này đã xảy ra và là mặt trái của Chỉ thị 02, là phản ứng của thị trường đối với phương pháp điều chỉnh đột ngột của NHNN", luật sư Vũ Xuân Nam phân tích.

Xử đại án Oceanbank 2017: Đầy kịch tính và nước mắt
Ông cho rằng đây chính là nguyên nhân trực tiếp và là nguyên nhân kinh tế mang tính thị trường dẫn đến hành vi phạm pháp của các bị cáo. Việc lạm phát ở mức 2 con số đã khiến người gửi tiền luôn đòi hỏi phải có lãi suất thực dương. Và cũng chính việc lạm phát tăng phi mã lại phát sinh từ hiện tượng thiếu hụt nguồn tiền lưu thông trên thị trường.

Những bất cập ở tầm vĩ mô

Ngoài những nguyên nhân xuất phát nêu trên, luật sư Vũ Xuân Nam cho rằng việc các ngân hàng chạy đua lãi suất trong khoảng thời gian này còn là hệ quả của những chính sách vĩ mô điều hành kinh tế diễn ra trước đó rất lâu và tại thời điểm đó vẫn đang tiếp diễn.

"Thực tế, có thể ngay tại thời điểm này, những rơi rớt còn lại của hệ quả này vẫy đang tiếp diễn", luật sư Nam nhận định.

"Đó là những bất cập trong quản lý vĩ mô về tài chính, tiền tệ, ngân hàng. Việc cho phép thành lập ồ ạt một số lượng lớn các Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), các chi nhánh, phòng giao dịch của các Ngân hàng, trong khi nền kinh tế Việt Nam thực trạng là một nền kinh tế có dung lượng tiền hàng nhỏ, số lượng doanh nghiệp còn rất ít, cộng với một nền kinh tế phát triển "nóng" dưới hình thức nền kinh tế dự án,… đã biến tiền tệ, từ chức năng cơ bản là trung gian thanh toán để lưu chuyển hàng hóa, là "mạch máu lưu thông trong nền kinh tế", đột nhiên trong hoàn cảnh này trở thành một thứ hàng hóa quý hiếm, bị xâu xé, tranh cướp trên thị trường, dẫn đến hệ quả phát sinh cuộc đua lãi suất phi mã ngầm trong những năm 2009 — 2011, với mức lãi suất huy động lên đến trên dưới 20%".

Sau những phân tích trên, luật sư Vũ Xuân Nam cho rằng vụ án chi lãi ngoài xảy ra tại OceanBank là một vụ án điển hình của loại tội phạm cơ chế. Trong đó, tội phạm phát sinh bắt nguồn chính từ cơ chế chính sách quản lý điều hành kinh tế của Nhà nước, cụ thể ở đây là ở cấp Bộ, ban, ngành.

 

Nguồn: Infonet

Thảo luận