Biển Đông

Quyền chủ quyền, quyền tài phán của Trung Quốc trên Biển Đông tới đâu?

Tại sao Trung Quốc lại đưa ra lời phát biểu với Việt Nam như vậy vào thời điểm hiện nay? Và hàm ý của phía Trung Quốc là gì?
Sputnik

Trong thời gian gần đây, song song với những hoạt động quân sự hóa Biển Đông, trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền… phía Trung Quốc đang ráo riết đưa ra những tuyên bố, những lời cáo buộc và những hứa hẹn;

“Trung Quốc đang leo thang chiến thuật gặm nhấm Biển Đông”
Thậm chí có cả những cam kết rất ngọt ngào và mùi mẫn, khiến dư luận phân tâm, hoang mang, thậm chí có thể không phân biệt được đúng sai, đen trắng, thật hư… như thế nào.

Chẳng hạn, mới đây nhất, ngày 17/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ khi được hỏi về hoạt động bình thường của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không có tranh chấp ở Biển Đông, rằng:

"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, và không làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương hay hòa bình, ổn định của khu vực này."  

Nếu chỉ căn cứ vào ngôn từ của phát biểu này, có lẽ không có điều gì đáng phải bàn cãi cả.

Đó là nguyên tắc mà bất kỳ một nhà ngoại giao, chuyên gia pháp lý của bất kỳ quốc gia nào đều cũng có thể phát biểu, như là một câu "thần chú " cửa miệng. 

Tuy nhiên, chúng tôi muốn cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tìm hiểu xem, tại sao Trung Quốc lại đưa ra lời phát biểu này vào thời điểm hiện nay? Và hàm ý của phía Trung Quốc là gì? 

"Phản ứng" của Trung Quốc với Việt Nam trên Biển Đông
Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán cần được các bên liên quan tôn trọng đến đâu trong Biển Đông?

Nếu căn cứ vào Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, mà Trung Quốc là một thành viên chính thức, thì Trung Quốc là một trong những quốc gia ven biển ở xung quanh Biển Đông có quyền xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình. 

Vấn đề cần được làm sáng tỏ ở đây là Trung Quốc đã đưa yêu sách về biên giới/ranh giới biển trong Biển Đông có theo đúng các quy định của UNCLOS 1982 không? 

Một lần nữa chúng tôi xin trả lời là: Không, hoàn toàn không! Tại sao?

Thứ nhất: Yêu sách biên giới/ranh giới biển theo đường "lưỡi bò" chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông là một yêu sách trái ngược với quy định của UNCLOS 1982. 

Việt Nam tuyên bố chỉ tiến hành khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình
Vì vậy, nó đã bị hầu hết các quốc gia trong khu vực và thế giới phủ nhận; bị Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế ngày 12/7/2016 bác bỏ; bị các học giả, chuyên gia, luật sư quốc tế phê phán, chỉ trích. 

Cho đến nay, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài báo của nhiều nhà nghiên cứu, luật sư, chuyên gia nghiêm túc phân tích đánh giá một cách khách quan, khoa học về yêu sách "lưỡi bò" phi lý này. 

Thứ hai: Có một nội dung mà phía Trung Quốc thường khai thác để  "nuôi" cái "lưỡi bò" buộc chúng tôi  phải đề cấp tới, cho dù đây không phải là lần đầu tiên. 

Đó chính là vai trò của các thực thể địa lý mả Trung Quốc nhận vơ là họ có "chủ quyền lịch sử" đối với "Tứ Sa" ở trong Biển Đông và vì vậy, họ có quyền dựa vào đó để xác định phạm vi các "vùng biển liên quan"

Liệu điều khẳng định này có thuyết phục và đứng vững được không? Chúng tôi xin được cung cấp các thông tin có liên quan sau đây để bạn đọc phán xét.

Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi chưa bàn về vấn đề quyền thụ đắc lãnh thổ đối với các thực thể địa lý trong Biển Đông. Vấn đề này, nếu cần, chúng ta lại có thể đề cập sâu hơn ở một bài nghiên cứu khác. 

Khu vực khai thác dầu của Rosneft trên thềm lục địa Biển Đông thuộc lãnh hải của Việt Nam
Ở đây, chúng tôi xin bàn về hiệu lực của các thực thể địa lý trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS 1982;

Cụ thể là các thực thể cấu thành quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa).

a. Trước hết, phải nói ngay rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa không phải là "quốc gia quần đảo". 

Cho nên, theo UNCLOS 1982, không được phép xác định hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở các quần đảo này như đối với  "quốc gia quần đảo" theo cách mà Trung Quốc đã vận dụng để công bố đường cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa năm 1996, bằng cách nối các điểm nhô ra nhất và bao lấy toàn bộ quần đảo này như là một thể thống nhất. 

Có thể nói đây là một trong số những nội dung của "cuộc chiến pháp lý" do Trung Quốc phát động.

Trong đó, Trung Quốc đã công khai xác nhận họ sẽ làm điều tương tự cho các quần đảo khác trong Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ gọi là Nam Sa, vào lúc thích hợp. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Rosneft và Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc
Việc làm này được các chuyên gia pháp lý khẳng định rằng Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

b. Vậy thì hiệu lực trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của chúng sẽ được tính như thế nào?  

Theo quy định của UNCLOS 1982, các thực thể địa lý là các đảo theo đúng định nghĩa của Điều 121, nếu nằm cách bờ biển quá 12 hải lý, thì được phép xác định đường cơ sở cho từng đảo.

Trên cơ sở đó, xét từ nguyên thủy, nếu đảo đó quá nhỏ bé, không thích hợp cho sự tồn tại của cộng đồng và không có đời sống kinh tế riêng, thì chúng chỉ có lãnh hải không quá 12 hải lý; 

Còn đảo nào thích hợp cho đời sông con người và có đời sông kinh tế riêng thì được quyền mở rộng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và vùng thềm lục địa riêng cho từng đảo đó. 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học địa chất, địa mạo và đặc biệt là Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế ngày 12/7/2016, thì hầu hết các đảo trong các quần đảo ở giữa Biển Đông, nếu xét từ nguồn gốc xuất xứ của chúng, khi chưa có sự cải tạo của con người, thì chúng không thể có hiệu lực để mở rộng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. 

Rosneft Việt Nam lo ngại Trung Quốc sẽ phản ứng tiêu cực về công việc ở thềm lục địa
Chúng chỉ có lãnh hải tối đa không quá 12 hải lý mà thôi. 

Còn các thực thể địa lý là các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm  thì sao?

Nếu chúng nằm cách bờ biển đất liền hay bờ biển của một đảo, một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải thì chúng được dùng làm điểm cơ sở để thiết lập hệ thống đường cơ sở thẳng, với điều kiện ở trên đó có xây các ngọn hải đăng hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước (Khoản 4, Điều 7). 

Nếu các thực thể này nằm ngoài ranh giới lãnh hải đất liền hoặc của một đảo, thì chúng không có lãnh hải riêng, có nghĩa là chúng không được hưởng quy chế đảo theo định nghĩa tại Điều 121, UNCLOS 1982. 

Và như vậy thì chúng được coi là một bộ phận cấu thành của vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển hay của một đảo.

Nếu những thực thể này nằm ở trong vùng biển cả (high sea) hay nằm trên đáy và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài giới hạn thềm lục địa của quốc gia ven biển hay của một đảo, nghĩa là nó ở trên một phạm vi được gọi là "Vùng" (The Area quy định tại Phần XI, UNCLOS 1982), thì các bãi cạn lúc nổi lúc chìm này là tài sản chung của nhân loại. 

Nhìn lại sau hai năm: Ai hưởng lợi từ phán quyết của Tòa Hague về Luật biển?
Mọi hoạt động có liên quan đến các thực thể này cũng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của UNCLOS 1982 và thuộc quyền hạn của Cơ quan quyền lực (Autority) quốc tế do Liên Hợp Quốc lập ra. 

Như vậy, không có ai được quyền chiếm hữu, biến chúng thành lãnh thổ của riêng mình. 

Nếu các thực thể này nằm trên thềm lục địa của quốc gia ven biển thì các quốc gia này có quyền xây dựng các đảo nhân tạo hay các công trình nhân tạo phục vụ cho công việc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia đó và chỉ được phép có một vùng an toàn xung quanh chúng có chiều rộng 500 m. 

Thứ ba: Từ những phân tích nói trên, chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc có thể được các bên liên quan tôn trọng chỉ nằm ở vùng biển có chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ hệ thống đường cơ sở ven bờ đảo Hải Nam và ven bờ lục địa phía Đông Nam mà Trung Quốc đã công bố. 

Tất nhiên, ranh giới vùng biển ở phía ngoài cửa vịnh Bắc Bộ còn phải được hoạch định do còn có vùng chồng lấn mà hai bên Việt Nam và Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán. 

Vì vậy, chúng tôi xin khẳng định rằng Trung Quốc không có chủ quyền và quyền tài phán đối với hầu hết Biển Đông theo như yêu sách đường "lưỡi bò, chiếm đến hơn 90% diện tích Biển Đông.

Tiến sĩ Trần Công Trục


Tiến sĩ Trần Công Trục

Nguồn: GDVN

Thảo luận