South China Morning Post ngày 22/5 đưa tin, Trung Quốc đã "trục xuất ít nhất 10 tàu cá nước ngoài" trong một cuộc tuần tra chung đầu tiên giữa hải quân với cảnh sát biển nước này trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, quần đảo đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng động thái mới nhất của Bắc Kinh là một cảnh báo đối với Việt Nam sau khi một công ty dầu mỏ của Nga hợp tác khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Tờ Quân giải phóng Trung Quốc nói rằng, cuộc tuần tra chung "phát hiện và kiểm tra khoảng 40 tàu, trục xuất hơn 10 tàu cá nước ngoài".
Tháng Ba năm nay, Trung Quốc đã chuyển lực lượng cảnh sát biển từ Cục Hải dương về Lực lượng cảnh sát vũ trang, trực thuộc Quân ủy trung ương.
Ni Lexiong, một chuyên gia hải quân Đại học Khoa học chính trị và luật Thượng Hải bình luận:
"Việt Nam gần đây đã háo hức muốn thực hiện một số hoạt động khoan dầu với Nga ở Biển Đông. Chúng ta (Trung Quốc) phải ngăn chặn bất kỳ động thái nào như vậy."?!
"Nó sẽ liên quan đến nhiều quốc gia khác, nếu Trung Quốc chọn (cái gọi là) thực thi luật pháp ở quần đảo Trường Sa…
Bởi vì Rosneft không phải là công ty phương Tây, và nếu việc khoan dầu diễn ra trong phạm vi 200 hải lý (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) của Việt Nam, Trung Quốc có thể sẽ nhẹ nhàng hơn trong phản ứng." [1]
Ngày 17/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ:
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan tôn trọng (cái gọi là) chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, và không làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương hay hòa bình, ổn định của khu vực này." [2]
Cũng trong ngày 17/5, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
"Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, tất cả các hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, bao gồm các hoạt động khai thác dầu khí, đã được cấp phép và thực hiện trên các vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Cá nhân người viết cho rằng, Trung Quốc đang ngầm thúc đẩy hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp, đồng thời tìm cách vô hiệu hóa Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 bằng nhiều thủ đoạn.
Bên cạnh việc thúc đẩy các dự án Vành đai và Con đường, thúc đẩy cái gọi là "gác tranh chấp cùng khai thác" trong vùng biển nước khác không có tranh chấp, Trung Quốc còn dùng sức ép quân sự ngoài thực địa.
Tuy nhiên tất cả các thủ đoạn ấy chỉ gây phản cảm và phản tác dụng, giúp dư luận khu vực và cộng đồng quốc tế nhận diện rõ âm mưu, ý đồ và bộ mặt thực sự của Trung Quốc trên Biển Đông mà thôi.
Trung Quốc dường như đang tận dụng tối đa con bài Triều Tiên để mặc cả với Hoa Kỳ, hoặc chí ít là họ lợi dụng lúc Mỹ phải tập trung giải quyết vấn đề với Bình Nhưỡng, để có các hoạt động leo thang quân sự hóa Biển Đông.
Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh quân sự, giễu võ dương oai để gây sức ép tâm lý lên các quốc gia láng giềng, nhưng động binh, xâm lược thời nay không phải chuyện đơn giản.
Việc Việt Nam duy trì các hoạt động kinh tế hợp pháp trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán của mình theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 không chỉ là bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần bảo vệ công lý và lẽ phải, bảo vệ sự trong sáng của Công ước.
Nguồn:
Theo GDVN