Không để người giàu được đặc xá, người nghèo 'tù rục xương'

Với nhiều điều kiện được quy định tại dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), nhất là với hình phạt tiền, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại chỉ người giàu mới đủ điều kiện để được đặc xá, còn người nghèo “tù rục xương” vì không có tiền.
Sputnik

Chiều 29/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Luật Đặc xá (sửa đổi). Quy định thời hạn và điều kiện đặc xá là hai nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu (ĐB) Lê Tấn Tới, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc xét đặc xá vào những ngày lễ lớn trong năm, hay trong trường hợp đặc biệt là rất phù hợp Hiến pháp và tình hình thực tế. Về điều kiện đặc xá, ông Tới băn khoăn với quy định phải nộp đủ tiền mới đủ điều kiện đặc xá.

"Thực tế có người chấp hành tốt nhưng vì lý do nào đó không đền được thì không được đặc xá, không có tiền thì ở tù rục xương luôn. Điều này thể hiện sự thiếu sự công bằng, sai quan điểm của Đảng, Nhà nước", ông Tới cho hay.

Về thời điểm, ĐB Sùng A Hồng (Điện Biên) lại đề nghị cân nhắc với quy định đặc xá nhiều lần trong năm. Theo ông Hồng, thời điểm đặc xá chỉ nên áp dụng 3 — 5 năm một lần, bởi nếu xét đặc xá nhiều lần trong năm sẽ không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. "Anh bị kết án tử hình, rồi trong điều kiện nào đó được xét xuống chung thân, sau đó xuống có thời hạn, rồi tiếp tục xét giảm nữa. Một người được xét giảm nhiều lần, phải cân nhắc, quan trọng nhất là tính nghiêm minh của pháp luật", ông Hồng lưu ý.

Cũng theo ông Hồng, nếu quy định như dự thảo thì người nghèo sẽ không bao giờ thỏa mãn các điều kiện đặt ra để được đặc xá, ân huệ này chỉ dành cho người giàu thôi. Ông đề nghị phải cân nhắc, làm sao để đảm bảo sự bình đẳng.

Bảo vệ vùng biển cần phương tiện, vũ khí hiện đại

Cho ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) băn khoăn, không biết lực lượng cảnh sát biển có phải là lực lượng vũ trang hay không? Theo bà Dung, phải quy định minh bạch trên cơ sở quy định, lực lượng cảnh sát biển phải là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc Bộ Quốc phòng.

Về việc này, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang) lý giải, Quân đội nhân dân Việt Nam có ba thứ quân: Quân chủ lực, quân sự địa phương và dân quân tự vệ. Trong đó, quân chủ lực có phòng không, không quân, lục quân, bộ binh, hải quân, thông tin, hóa học, công bình, trinh sát, bộ đội biên phòng và lực lượng cảnh sát biển, tất cả đều thuộc Bộ Quốc phòng. Chức năng của từng lực lượng rất rõ, không chồng chéo. Trong đó cảnh sát biển là lực lượng thực thi pháp luật trên biển, làm nhiệm vụ quốc tế biển.

Theo Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, lực lượng cảnh sát biển thành lập 20 năm, và năm 2014, khi có gây hấn trên biển thì lực lượng trực tiếp ra đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển chủ yếu là lực lượng cảnh sát biển.

"Anh em làm 24/24h trên biển để đấu tranh, bảo vệ vùng biển của chúng ta, được Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao về tinh thần anh dũng, chiến đấu hy sinh để bảo vệ vùng biển của chúng ta", ông Sùng Thìn Cò cho hay.

Tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 cũng cho rằng chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển thời bình cũng như thời chiến đều gian nan, vất vả.

"Cảnh sát biển phải là chính quy, hiện đại, vì hiện nay, bảo vệ vùng biển thì phải có phương tiện hiện đại, tàu hiện đại, trang bị vũ khí hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại. Nếu không hiện đại thì không thực hiện nhiệm vụ được", Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói.

Nguồn: tienphong

Thảo luận