"Luật Đặc khu", "làn sóng khủng khiếp" và sự lắng nghe của Thủ tướng Việt Nam

Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu) đã và đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ dư luận xã hội. Theo mô tả của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang nghị trường Quốc hội, đó là "một làn sóng khủng khiếp".
Sputnik

"Làn sóng" đó được Thủ tướng giải thích rằng đã có rất nhiều ý kiến tâm tư, tin nhắn, cuộc gọi, thư từ… gửi đến Thủ tướng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không có chữ 'Trung Quốc' nào trong dự luật đặc khu

Đó là dấu hiệu cho thấy lòng nhiệt thành của nhân dân quan tâm đến công việc chung của đất nước to lớn biết chừng nào; cho thấy ý tưởng Chính phủ kiến tạo đã có sức thu hút. Đó là một trong những dấu hiệu thể hiện lòng dân đã tránh "nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đề cập tại Đại hội Đoàn toàn quốc diễn ra vào giữa tháng 12-2017.

"Làn sóng khủng khiếp" đó hướng về nghị trường kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Và Thủ tướng đã lắng nghe, rồi phản hồi:

"Tôi khẳng định Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lắng nghe ý kiến khác nhau từ dư luận. Hiện dự thảo luật đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này. Chắc chắn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân tích các ý kiến góp ý, để xem xét, cân nhắc nhiều mặt trước khi thông qua…".

Lắng nghe vốn là điều kiện của quá trình kiến tạo. Thủ tướng của Chính phủ kiến tạo đã lắng nghe tiếng dân là khởi sự kiến tạo.

Một chính sách hay đến mấy mà thiếu cộng hưởng, thiếu đồng thuận đều hàm chứa khả năng bất khả thi. Huống gì đây là dịp dù không nhiều mà lòng dân khởi sắc tham gia sôi nổi vào công việc chính trị, nhiều tầng lớp chú ý vào quá trình lập pháp.

Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu trong giờ giải lao sáng 4/6

Chính phủ kiến tạo liệu có tận dụng điều đó như một thời cơ "nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói?

Và, Thủ tướng đã lắng nghe!

Theo: NLĐ

Thảo luận