Khi mở cửa và hội nhập quốc tế, một yêu cầu đặt ra với mọi quốc gia là phòng ngừa và ngăn chặn mọi hành vi xâm hại chủ quyền. Điều này quan trọng không chỉ đối với những chính sách về chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh mà cả khi ban hành các đạo luật mở cửa và hội nhập về kinh tế, thương mại, tài chính, lao động… Bởi vì khi đã là luật thì nó ràng buộc mọi người: Người làm luật và người được pháp luật điều chỉnh, người bản xứ và người nước ngoài nhập cư.
Các hành vi xâm phạm chủ quyền rất đa dạng, tinh vi
Các hành vi xâm phạm chủ quyền có thể rất đa dạng, từ ý đồ chính trị của các quốc gia ngoại bang cho đến kế hoạch thôn tính của các tập đoàn tài phiệt, công ty đa quốc gia vì các lợi ích kinh tế. Ngoài ra còn có các hoạt động, hành vi không chủ đích nhưng vô tình xâm hại chủ quyền của nước sở tại. Vì vậy, trong mọi chủ trương mở cửa và hội nhập, nhất là trong các đạo luật mà chúng ta ban hành, luôn phải dự phòng các nguy cơ bị xâm hại chủ quyền, kể cả trước mắt, hiện tại và cả trong tầm nhìn dài hạn, tương lai.
Khi thảo luận và chuẩn bị thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là luật đặc khu kinh tế), về việc lựa chọn ba địa điểm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nhiều đại biểu Quốc hội chưa được tiếp cận và thông qua những công trình nghiên cứu, khảo sát cẩn trọng về an ninh, quốc phòng, trong khi đó là những vị trí có thể có tác động chiến lược trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và hiện là nơi cư trú, lao động, sinh sống của hàng trăm ngàn dân.
Những quy định như dự thảo luật sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài nắm giữ quyền sử dụng đất và mặt biển dài hạn từ 50, 70 đến 99 năm và sở hữu bất động sản vĩnh viễn, không hạn chế về số lượng, với những ưu quyền đặc biệt trong các đặc khu, trong đó có quyền chuyển nhượng dễ dàng cho bất kỳ tổ chức, cá nhân từ bất kỳ quốc gia nào khác.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không kiểm soát chặt
Hiện nay, biển Đông đã bị chiếm đóng, quân sự hóa với cường độ cao, phạm vi rộng và nguy cơ xung đột lớn. Chủ quyền, an ninh của nước ta và ngay cả các hoạt động kinh tế, đời sống bình thường của nhân dân ta trên biển đã và đang bị đe dọa, thậm chí xâm hại thường xuyên. Vai trò của đất liền trong các chiến lược phòng thủ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là cực kỳ quan trọng. Nếu không cảnh giác cao độ, không có tầm nhìn và đối sách dài hạn, khôn khéo và kiên quyết, những vị trí rộng lớn trên đất liền mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài được trao quyền sử dụng, khai thác, cư trú lâu dài với những đặc quyền do Nhà nước ta trao cho bằng luật đặc khu kinh tế có thể bị lợi dụng, sử dụng để trở thành những địa bàn gây mất ổn định, thậm chí những mối liên kết tiềm ẩn đầy nguy hiểm khi có xung đột xảy ra.
Chủ trương ra đời các đặc khu kinh tế là cần thiết để tạo động lực phát triển kinh tế nhưng với tính chất quan yếu của chủ trương ấy, không nên vội vã và gấp gáp. Nếu có thời gian nhiều hơn, Nhà nước và nhân dân ta sẽ có điều kiện phát huy trí tuệ, kiến thức và kinh nghiệm để thiết kế một đạo luật hoàn chỉnh, chặt chẽ, hợp lý, đem lại hiệu quả đồng bộ hơn và cao hơn. Làm như vậy, chắc chắn đa số nhân dân sẽ đồng tình, tin tưởng và tích cực góp phần thực hiện thành công chủ trương về các đặc khu.
Theo: PLO