Có lẽ dư âm còn lại của phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua là những lời xin lỗi, nhận trách nhiệm và mong được thông cảm của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.
Khi đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP HCM) bày tỏ không hài lòng vì đường sắt gần đây liên tục xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng nhưng trong báo cáo của của Bộ GTVT chỉ có 3 dòng, Bộ trưởng Thể nói:
"Chúng tôi xin lỗi các đại biểu Quốc hội… Chúng tôi cũng thành thật xin lỗi người dân, những người bị tai nạn giao thông, liên quan đến đường sắt".
Trả lời đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về việc nâng cấp đường dẫn đến chênh lệch cao độ với nhà dân, ông Thể nói:
"Tôi xin nhận trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và Nhân dân vì chưa có giải pháp đảm bảo hài hòa nhất".
"Chúng tôi xin trân trọng kính mong đồng bào và cử tri, nhất là tỉnh Bình Định hết sức thông cảm".
Trong phần trả lời chất vấn sau đó, Bộ trưởng Thể tiếp tục nhận trách nhiệm, xin lỗi và mong sự thông cảm.
Có lẽ cũng nên nhìn lại "lộ trình" nhận khuyết điểm, xin lỗi của cán bộ trước dân.
Cách đây khoảng mươi năm, chuyện cán bộ lãnh đạo xin lỗi dân rất hiếm. Từ khi tinh thần dân chủ được phát huy, việc xin lỗi dân xuất hiện với tần số ngày càng nhiều và đôi lúc, nó trở thành câu nói "cửa miệng", kiếu hứa rồi để đấy, xin lỗi nhưng không sửa lỗi.
Song, có những lời xin lỗi như dao chém đá, trong đó phải kể lời xin lỗi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngay sau đó, Thủ tướng đã nhận trách nhiệm và công khai xin lỗi.
"Ở đây phải thấy rằng trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến đoàn công tác chưa tốt và Thủ tướng phải xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm". Thủ tướng nói.
Không dừng ở đó, mấy ngày sau trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong hướng dẫn về việc bố trí sử dụng phương tiện tham gia đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ làm việc tại các địa phương, Văn phòng Chính phủ yêu cầu các địa phương cấp tỉnh, thành phố không tổ chức đón đoàn trên đường đi, chỉ tổ chức đón tại địa điểm đến công tác, trừ lực lượng công an dẫn đường.
Thành phần tham gia của tỉnh, thành không quá 3 xe ôtô, bao gồm xe chung của bí thư tỉnh/thành ủy, chủ tịch UBND tỉnh/thành và xe chung của các sở, cơ quan, thành phần khác theo yêu cầu.
Nhớ lại cách đây 6 năm (2012), tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (ngày 15.10.2012), trước những khuyết điểm, yếu kém của Đảng, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nghẹn ngào nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân:
"Ban Chấp hành Trung ương cũng tự kiểm điểm và nhận phần trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra và chưa ngăn chặn được những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua. Ban Chấp hành Trung ương xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân và sẽ cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục".
Trở lại với những lời xin lỗi và mong được thông cảm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Có lẽ, không chỉ người viết bài này mà cử tri cả nước đều mong đợi và dõi theo từ lời nói đến việc làm của ngành giao thông nói chung, cá nhân Bộ trưởng Thể nói riêng.
Mong rằng trong lần họp tới đây, cử tri sẽ không còn thấy Bộ trưởng phải "xin lỗi" hay "mong thông cảm" vì những yếu kém đã được khắc phục bởi dân thông cảm cho Bộ trưởng nhưng ai thông cảm cho dân?
Theo: Dân Trí