Bí thư Nguyễn Thiện Nhân và lời hứa với dân Thủ Thiêm

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân rất đau lòng...
Sputnik

Rất đau lòng

Chiều 20/6, như đã hứa trước đó, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp xúc cử tri quận 2, liên quan đến kiến nghị của người dân về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Dân Thủ Thiêm kỳ vọng gì trước cuộc gặp Bí thư Nguyễn Thiện Nhân?

Tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy cho biết, ông đã xuống thăm một số nơi tạm cư, thăm một số hộ dân, chứng kiến những người 70 năm tuổi Đảng phải sống khổ cực.

"Chưa biết đúng sai thế nào, nhưng nhìn những người đáng tuổi cha, tuổi mẹ mình phải sống trong cảnh này tôi rất đau lòng", Bí thư Thành ủy nghẹn giọng.

Dừng một lúc, ông Nguyễn Thiện Nhân nói:

"Thăm gia đình ông Hồng Minh Hả, 69 tuổi, là thương binh 4/4, cán bộ quân đội, đặc công, có mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng, cha là liệt sĩ. Vợ ông cũng có cha và ba người em là liệt sĩ. Tôi cũng suy nghĩ, người đó cũng vào sống ra chết còn không tiếc gì xương máu. Trong chiến tranh dân là gốc, trong hòa bình nếu mình làm tốt dân khen, mình làm chưa đúng thì dân góp ý, rồi dân cũng xí xóa, còn không sửa thì dân giận, dân bức xúc. Tôi gặp bà con lần đầu, cảm nhận được sự bức xúc đó của bà con".

Cử tri trả lại bằng khen ngay tại buổi đối thoại với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân
Phải chứng kiến cảnh sống khổ cực của người dân, ông Nguyễn Thiện Nhân thiết tha mong bà con ủng hộ chủ trương của TP, vào ở các khu tái định cư trong lúc chờ TP giải quyết.

"Vào đây, các hộ dân chỉ phải trả tiền điện nước, còn lại các loại phí không phải trả. Tôi khẳng định việc này không phải bà con vào đó rồi xí xóa hết cho thành phố. Thành phố không gạt bà con, tôi sẽ gặp cử tri Thủ Thiêm đến khi nào giải quyết được vấn đề mới thôi. Sắp tới có kết luận về các trường hợp ở ngoài ranh quy hoạch, các hộ này sẽ không phải di dời", Bí thư Thành ủy khẳng định.

Theo ghi nhận, buổi tiếp xúc cử tri diễn ra từ 14h30 đến hơn 17h chưa kết thúc.

Có tổng cộng 140 cử tri đăng ký trình bày — con số kỷ lục từ trước đến nay, các buổi tiếp xúc khác của Đoàn đại biểu Quốc hội nhiều nhất chỉ 20 người phát biểu.

Thủ Thiêm "của" ông Võ Văn Kiệt. Thủ Thiêm của người giàu.Thủ Thiêm của nước mắt dân nghèo
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, ở phường Thạnh Mỹ Lợi, nói Khu đô thị mới Thủ Thiêm có quyết định của Chính phủ từ năm 1996, từ đó đến nay qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri và lần nào hội trường cũng nóng.

"Cử tri chúng tôi phát biểu nhiều, gửi đơn theo trình tự pháp luật nhưng vấn đề đền bù giải tỏa hầu như không được giải quyết đến nơi đến chốn", ông Thịnh nói.

Ông cho rằng trong khi người dân phát biểu dựa trên các văn bản pháp lý của dự án thì cơ quan chức năng lại viện dẫn quanh co, bao biện. "Hôm nay tôi đề nghị lãnh đạo nhìn thẳng vào sự thật.

Cựu chủ tịch TP.HCM Võ Viết Thanh nói sự thật về tấm bản đồ Thủ Thiêm
Phải cho thanh tra toàn diện tính pháp lý khu đô thị mới Thủ Thiêm về quy mô quy hoạch trên bản đồ và thực tế hiện nay thay đổi như thế nào? 160 ha giáp ranh liền kề đang nằm chỗ nào nói cho cử tri biết", ông Thịnh đề nghị.

Cử tri Nguyễn Thị Kiều Dung bức xúc vì mảnh đất gia đình khai hoang và ở hơn 100 năm nay nhưng sau này bị thu hồi không được bồi thường. Gia đình khiếu nại, chính quyền ra quyết định thanh tra nhưng mười mấy năm chưa có kết quả.

"Ở quận 2 ngoài Thủ Thiêm còn Cát Lái, còn hàng chục nơi khác…", cử tri Dung nói.

Kiến nghị 4 vấn đề

Trước đó, ngày 9/5, tổ đại biểu Quốc hội gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó đoàn đại biểu Quốc hội) và bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó Chánh án TAND TP HCM) đã có buổi tiếp xúc kéo dài hơn 8 tiếng với cử tri quận 2.

Sau buổi tiếp xúc, có 4 nhóm vấn đề chính đã được chuyển tới tổ đại biểu Quốc hội. Các vấn đề kiến nghị bao gồm:

Lạ lùng: Dân bất ngờ công bố bản đồ gốc Thủ Thiêm, trong khi chính quyền nói thất lạc
Thứ nhất, cơ sở pháp lý nào để TP thu hồi nhà đất của người dân để thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thứ hai, người dân phát biểu về chính sách, cơ sở lập hồ sơ đền bù cho người dân chưa được thỏa đáng. Có những hồ sơ chưa đúng quy định, chưa đúng hiện trạng nhà ở hoặc lập hồ sơ thiếu.

Thứ ba, đề nghị tổ đại biểu Quốc hội báo cáo với Quốc hội yêu cầu cơ quan trung ương có thẩm quyền thành lập đoàn thanh tra các cơ sở pháp lý triển khai dự án hoặc trong quá trình triển khai có những bước không đúng quy định….

Thứ tư, người dân muốn lãnh đạo TP bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dân.

Tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, toàn bộ ý kiến cử tri góp ý, đề xuất sẽ được báo cáo với bí thư Thành ủy để đề nghị bí thư tổ chức cuộc họp với Ban Thường vụ Thành ủy lắng nghe để có biện pháp giải quyết cho người dân.

"Ai làm sai phải chịu trách nhiệm và tất nhiên đã làm sai thì phải sửa sai", bà Tâm nhấn mạnh.

Theo: Báo Đất Việt

Thảo luận