Người Nga tưởng nhớ hiệp sĩ khoa học - Giáo sư Phan Huy Lê

Từ Hà Nội thông báo tin buồn - nhà sử học hàng đầu của Việt Nam, Giáo sư Phan Huy Lê vừa qua đời.
Sputnik

Ông Phan Huy Lê thuộc thế hệ các nhà khoa học Việt Nam sớm tham gia cộng đồng khoa học của đất nước ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, — quan sát viên Piotr Tsvetov của Sputnik nhận xét. Khởi đầu môn khoa học lịch sử của nước Việt Nam XHCN đến khi đó đã được đặt nền móng với những chuyên gia nổi bật như Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Minh Tranh, Nguyễn Khánh Toàn, không chỉ là nhà khoa học mà còn là những chiến sĩ cách mạng mà danh tính được in đậm trong biên niên sử đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam.

GS Phan Huy Lê – người tổng kết lịch sử Việt Nam
Thuộc lớp hậu sinh, ông Phan Huy Lê không có tiểu sử cách mạng anh hùng như các bậc đàn anh. Nhưng rất đáng tự hào là trong số các bậc tiền bối của gia tộc ông có danh nhân khoa học của đất nước — nhà bách khoa toàn thư uyên bác thời thế kỷ 19 Phan Huy Chú. Rõ ràng tài năng kiệt xuất đó đã được truyền lại cho Phan Huy Lê. Ngay khi vừa 24 tuổi, vào năm 1958, ông Phan Huy Lê đã trở thành người đứng đầu Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ-Trung đại tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Và cho đến cuối đời Giáo sư Phan Huy Lê luôn luôn là chuyên gia hàng đầu về lịch sử trung thế kỷ của Việt Nam. Trên cương vị này, ông đã tham gia biên soạn những công trình cơ bản như Lịch sử Việt Nam, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam và rất nhiều tác phẩm khác.

Đồng thời, Giáo sư cũng dành quan tâm nghiên cứu chủ đề có tầm quan trọng to lớn đối với việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong quần chúng Việt Nam. Một trong những công trình lớn đầu tiên của Phan Huy Lê là về khởi nghĩa Lam Sơn, tái hiện những sự kiện trong cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 15. Các công trình khác của Giáo sư Phan Huy Lê tổng kết những trận đánh trên sông Bạch Đằng, khởi nghĩa Tây Sơn. Các tác phẩm khoa học lịch sử này đã phát huy tác dụng nâng cao tinh thần chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

4 điệp viên hoàn hảo nhất trong lịch sử Việt Nam
Tuy nhiên không thể cho rằng nhà sử học Phan Huy Lê hoàn toàn đi theo hướng chính thống phục vụ yêu cầu chính trị. Trong một bài báo của mình, ông đã viết rằng: «Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực».

Tâm thế nghề nghiệp như vậy của Giáo sư Phan Huy Lê cũng như nội dung hầu hết các công trình đồ sộ của ông cho phép chúng ta vinh danh ông là "hiệp sĩ khoa học", những con người mà việc tìm kiếm sự thật chân lý là mục đích tối thượng trong cuộc đời.  

Giáo sư Phan Huy Lê được tôn kính sâu sắc ở Việt Nam. Trong nhiều năm liền, ông được bầu giữ trọng trách Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, được trao giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu Nhà giáo nhân dân cao quý. Các đồng nghiệp nước ngoài cũng đánh giá cao về ông. Nhà nước Pháp và Nhật Bản trao tặng Giáo sư Phan Huy Lê những phần thưởng sáng giá. Ở Nga cũng biết rõ danh tiếng Phan Huy Lê, nhiều tác phẩm của Giáo sư được nghiên cứu trong các trường đại học của đất nước. Giáo sư Dega Deopik trân trọng tình bạn đặc biệt với nhà khoa học người Việt Phan Huy Lê, còn ông Alexei Polyakov chuyên nghiên cứu về Việt Nam thời Trung cổ thì luôn luôn coi Giáo sư Phan Huy Lê là người thầy kính mến của mình.

Xin nghiêng mình tưởng nhớ Giáo sư Phan Huy Lê.

Thảo luận