Trung Quốc quyết không nhượng bộ: Ông Tập nói không để mất một tấc trên Biển Đông

Ngày 27.6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Tại buổi gặp, khi đề cập vấn đề Biển Đông, ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không chịu mất một tấc lãnh thổ do cái gọi là tổ tiên để lại.
Sputnik

Tờ Hoàn cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo cho biết ông Tập đã chuyển tới ông Mattis thông điệp của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền và lãnh thổ một cách rõ ràng. Theo đó, ông Tập đã nói rằng Trung Quốc sẽ không chịu mất dù chỉ một tấc lãnh thổ được thừa kế từ tổ tiên.

Giữa Đại Lục, Việt Nam nói về thiết bị quân sự trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông

Tờ New York Times của Mỹ cũng đưa lại tuyên bố này và cho biết nó được đưa ra trong bối cảnh khi hai bên đề cập vấn đề Biển Đông. Tuyên bố của ông Tập đưa ra đã bất chấp một sự thật là Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa và một số khu vực trên quần đảo Trường Sa chính là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Vậy mà trong tuyên bố của mình với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Tập còn nhấn mạnh thêm câu:

"Chúng tôi sẽ không lấy những gì thuộc về người khác".

Tàu sân bay Mỹ lại đến Biển Đông "trêu ngươi" Trung Quốc
Đồng thời, New York Times dẫn lời một quan chức tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết thái độ của người đứng đầu Lầu Năm Góc. Theo đó, ông Mattis, người từng lên án việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đã làm rõ lại lập trường của Lầu Năm Góc về khu vực tranh chấp, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có tự do hàng hải trong khu vực và Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Mattis đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa (Wei Fenghe). Tại buổi gặp, ông Mattis nhắc lại lời hứa của ông Tập trong chuyến thăm Nhà Trắng năm 2015. Khi ấy, ông Tập hứa Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Thế nhưng, các diễn biến gần đây lại cho thấy một điều ngược lại.

"Bộ trưởng đã nhắc lại lời cam kết trước đây của ông Tập cho Tổng thống Obama về việc không quân sự hóa và chuyển lời nhắn: 'Các vị đang hành xử theo những cách gây lo ngại không chỉ cho chúng tôi mà còn cho các đối tác khu vực", một quan chức quốc phòng cao cấp có trong cuộc đàm phán tiết lộ trên trang Freebeacon.

Sau Biển Đông, Trung Quốc sẽ bành trướng nơi nào tiếp theo?
Bên cạnh những tuyên bố cứng rắn về vấn đề Biển Đông thì cả hai phía dành cho nhau những lời xã giao xoa dịu một loạt bất đồng. Theo TTXVN, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng nếu hai nước có thể phát triển và xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp, điều này sẽ mang lại lợi ích cho nền hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu. Ông Tập nêu rõ:

"Quan hệ Trung Quốc — Mỹ là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới". Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong những năm gần đây, mối quan hệ quân sự Trung — Mỹ vẫn duy trì xung lực tốt và Bắc Kinh hy vọng điều này có thể tiếp tục được phát huy.

Còn Bộ trưởng Mattis cho biết các cuộc thảo luận của ông với giới chức Trung Quốc đã diễn ra "rất, rất" tốt đẹp. Ông bày tỏ vui mừng đối với chuyến công du Trung Quốc lần này, đồng thời đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ giữa quân đội hai nước. Theo ông Mattis, đây là "một thời điểm quan trọng trong lịch sử Trung Quốc và Mỹ, khi hai bên nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ song phương tiến lên phía trước".

Mỹ ép Trung Quốc tới cùng?
Ngày 27.6, tại Hồ Nam (Trung Quốc), ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức Cuộc họp các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN — Trung Quốc phiên họp lần thứ 15 về thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Phát biểu tại SOM-DOC, Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng khẳng định tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, hoan nghênh một số kết quả trong việc thực hiện DOC; đồng thời bày tỏ lo ngại trước các hoạt động tái tạo đảo, lắp đặt và thử nghiệm các thiết bị quân sự tại các cấu trúc có tranh chấp ở Biển Đông, đi ngược lại nguyên tắc của DOC, ảnh hưởng bất lợi tới tiến trình đàm phán COC. Thứ trưởng kêu gọi các bên kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình trên thực địa, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.

Theo: Global Times, NYT, Một Thế Giới

Thảo luận