Bộ Tài chính Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường "soi" hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào những lĩnh vực nhạy cảm, một động thái có thể đẩy 2 nước tiến gần chiến tranh thương mại hơn nữa.
Leo thang đối đầu
Theo trang Bloomberg hôm 25-6, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ sử dụng một trong những công cụ luật pháp đáng kể nhất để tuyên bố rằng đầu tư của Trung Quốc vào một số doanh nghiệp Mỹ nhất định, như robot và hàng không vũ trụ, tiềm ẩn rủi ro về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ. Trong báo cáo dự kiến công bố ngày 29-6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ đề xuất thực thi Đạo luật về quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) thông qua Ủy ban Đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CIFUS).
Ông Mnuchin đã bắt tay soạn thảo kế hoạch hạn chế đầu tư Trung Quốc từ cuối năm 2017. Dù ban đầu muốn một hướng tiếp cận ít quyết liệt hơn, bộ trưởng này đã đổi ý sau khi được ông Trump và các thành viên nội các khác thuyết phục về việc sử dụng những công cụ cứng rắn để xử lý mối đe dọa đang tăng từ hoạt động đầu tư của Trung Quốc đối với an ninh quốc gia. Dù vậy, không ít quan chức Mỹ lo ngại việc thực thi IEEPA có thể tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc.
Một loạt động thái mới nói trên của Mỹ được cho là nhằm cản trở chiến lược phát triển "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025", theo đó Bắc Kinh đặt mục tiêu đứng đầu thế giới trong các lĩnh vực quan trọng như robot, hàng không vũ trụ, xe hơi năng lượng sạch…
"Rõ ràng rằng chính sách của Tổng thống Trump không chỉ đơn thuần nhằm giải quyết thâm hụt thương mại. Rủi ro an ninh có thể chi phối mọi mặt của một mối quan hệ song phương, nhất là vấn đề hạn chế đầu tư" — ông Raymong Yeung, Trưởng bộ phận nghiên cứu về châu Á của Ngân hàng ANZ tại Hồng Kông, nhận định.
Lựa chọn hạn chế
Trong thông điệp được cho là gửi đến chính quyền ông Trump, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 25-6 khẳng định nước này và Liên minh châu Âu (EU) phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại và cảnh báo những hành động đơn phương có nguy cơ đẩy thế giới vào suy thoái. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen ở Bắc Kinh, ông Lưu cho biết hai bên nhất trí bảo vệ hệ thống thương mại đa phương toàn cầu trước mối đe dọa thuế quan từ Washington.
Dù vậy, ngay cả khi Bắc Kinh có những tuyên bố cứng rắn trước mối đe dọa thương mại của Washington, lựa chọn của họ có thể không nhiều. Giới phân tích chỉ ra rằng những biện pháp trên một khi được thực thi có thể gây hại đến Trung Quốc cũng nhiều không kém Mỹ. Chẳng hạn, phá giá nhân dân tệ có thể giáng đòn mạnh vào hy vọng của Bắc Kinh về việc đồng tiền này trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới và dần thay thế USD. Ngoài ra, hành động trả đũa ăn miếng trả miếng của Trung Quốc có thể khiến căng thẳng trong quan hệ với Mỹ vượt ra bên ngoài lĩnh vực thương mại, từ đó đe dọa đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội của nước này.
Theo tờ South China Morning Post, nỗi lo thực sự của Bắc Kinh về cuộc chiến thương mại với Washington không phải là chuyện tổn thất kim ngạch xuất khẩu hoặc công ăn việc làm mà là vai trò của nước này trong nền kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng. Không gì lạ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây phát đi thông điệp rằng nước này vẫn mở rộng cửa chào đón doanh nghiệp nước ngoài.
Theo: Bloomberg, The Wall Street Journal, South China Morning Post, NLĐ