Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa phát đi thông cáo về kỳ họp thứ 27, diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6/2018.
Theo đó, tại kỳ họp, cơ quan này đã kết luận 6 nội dung. Trong đó có việc: "Xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của UBKT Trung ương".
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định:
(1) Thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Ánh Sáng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc; cảnh cáo đối với ông Trần Lục Lang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV.
"Ê kíp" Bình Định
Về nội dung thứ nhất, các cá nhân bị thi hành kỷ luật đã được "điểm mặt chỉ tên" cụ thể. Cả ba — Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng — cùng từng nằm trong Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV, trong đó ông Trần Bắc Hà từng là Bí Thư Đảng ủy (cả hai nhiệm kỳ) — tức là lãnh đạo cao nhất của Ban Đảng này.
Không chỉ từng là những đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV, đáng chú ý, ba nhân sự này có những điểm tương đồng lớn về hoạn lộ. Và dĩ nhiên, là cả nạn lộ — như câu chuyện kỷ luật vừa nêu.
Ông Hà sinh năm 1956, ông Sáng sinh năm 1961 và ông Lang sinh năm 1967 là những đồng hương Bình Định, cùng trưởng thành từ chi nhánh quê nhà: BIDV Bình Định. Xuất phát điểm là những cán bộ bình thường, họ phấn đấu và dần trở thành những lãnh đạo cao nhất của Chi nhánh.
Thời ông Trần Bắc Hà làm Giám đốc BIDV Bình Định (từ 1991 — 1999) thì ông Đoàn Ánh Sáng là cấp phó sát sườn — với cương vị Phó Giám đốc Chi nhánh (từ 1994 — 1999).
Phụ trách "siêu" Chi nhánh này khoảng hơn 10 năm, tháng 01/2013, ông Sáng được rút lên Hội sở giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc BIDV. Khi này ông Hà đã là Chủ tịch HĐQT BIDV, và dĩ nhiên việc bổ nhiệm P.TGĐ — như đối với ông Sáng — sẽ thuộc thẩm quyền của HĐQT.
Tương tự, ông Trần Lục Lang cũng công tác tại BIDV Bình Định từ năm 1991, là thuộc cấp dưới quyền của ông Trần Bắc Hà và ông Đoàn Ánh Sáng. Trước ngày ông Sáng chuyển sang Chi nhánh BIDV Sở Giao dịch 2 ít lâu, tháng 01/2002, ông Lang được cất nhắc lên vị trí Phó Giám đốc Chi nhánh BIDV Bình Định.
Tháng 07/2007, ông Lang chuyển sang phụ trách Chi nhánh BIDV Phú Tài, trải qua các chức vụ Quyền Giám đốc (14/07/2006 đến 30/09/2006) rồi Giám đốc (01/10/2006 đến 31/05/2011).
Sau gần 5 năm cống hiến tại BIDV Phú Tài, tháng 06/2011, ông Lang được HĐQT — do ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch — rút lên Hội sở và bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc.
Ngoài cương vị tại BIDV, hiện ông Lang còn đang đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LaoVietBank) — nhà băng do BIDV chi phối vốn và cũng có cả phần vốn của gia đình ông Hà; Chủ tịch Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC) — công ty do ông Trần Hoài An (SN 1968), cháu ông Trần Bắc Hà, làm Tổng Giám đốc.
Còn với ông Đoàn Ánh Sáng, ngoài cương vị P.TGĐ BIDV, ông Sáng còn là Ủy viên HĐQT BIDV, ủy viên HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC); Chủ tịch HĐQT Công ty lương thực Campuchia — Việt Nam (Cavifood); Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán BIDV.
Khác với hai thuộc cấp một thời, ông Hà hiện đã nghỉ hưu và thôi nhiệm mọi chức vụ ở BIDV. Tuy nhiên, vị lãnh đạo quyền lực này hiện vẫn tích cực tham gia các hoạt động kinh doanh của gia đình.
Từng được đánh giá là những lãnh đạo ngân hàng quyền lực nhất Việt Nam, tuy nhiên như đã thấy, sự nghiệp chính trị của ông Hà, ông Sáng và ông Lang đang gặp phải vấn đề lớn — sau quyết định thi hành kỷ luật mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố.
Mà nhớ rằng, đó mới chỉ là các quyết định kỷ luật về mặt Đảng. Sau này, tùy thuộc vào xem xét, đánh giá của nhà chức trách và tùy thuộc vào mức độ vi phạm của mỗi người, không loại trừ khả năng "ê kip" gốc Bình Định này còn có thể phải đối diện với những hình thức xử lý khác.
Xin lưu ý vào chi tiết "trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng". Có nghĩa rằng, vụ cho vay 12 công ty lên quan tới vụ án VNCB có thể chỉ là "một trong số"…
Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV gồm những ai?
Tại Thông cáo vừa phát đi, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: Yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV.
Ở đây, cần phải làm rõ về "Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV" sẽ bị thi hành kỷ luật. Cụ thể là ban nào, thuộc nhiệm kỳ nào, gồm những ai.
Như vậy, cần phải tìm hiểu về Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010 — 2015, và Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2015 — 2020.
Theo nội san của BIDV, trong hai ngày 14 và 15/8/2010, tại Hà Nội, Đảng bộ BIDV đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XII nhiệm kỳ 2010 —2015 với 197 đại biểu đại diện cho hơn 1800 đảng viên tại 74 tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ tham dự. Đại hội đại biểu Đảng bộ BIDV đã bầu 33 đồng chí vào Ban chấp hành nhiệm kỳ 2010-2015.
Năm năm sau, Danh sách Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2015 — 2020 cũng gồm 11 cái tên: Bí thư Trần Bắc Hà (Chủ tịch HĐQT), Phó Bí thư Phan Đức Tú (Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc), Phó Bí thư Trần Thanh Vân (Ủy viên HĐQT) và 08 ủy viên thường vụ: Phan Thị Chinh (Ủy viên HĐQT); Lê Kim Hòa (P.TGĐ); Nguyễn Thiên Hoàng (Giám đốc Ban Tổ chức Cán bộ); Trần Xuân Hoàng (P.TGĐ); Từ Quốc Học (Giám đốc Kiểm tra Giám sát); Lê Thị Kim Khuyên (Ủy viên HĐQT); Trần Lục Lang (P.TGĐ); Nguyễn Thanh Sơn (Chánh Văn phòng Đảng ủy).
Ngoài 11 Ủy viên thường vụ, Ban Chấp hành Đảng Bộ BIDV nhiệm kỳ 2015 — 2020 còn có 24 Ủy viên Ban chấp hành như: Trần Hoài An, Trần Hoài Đức, Đoàn Ánh Sáng, Trần Quang Bình, Trần Huy Hoàng, Trần Long, Cấn Văn Lực,…
Như vậy có nhiều Ủy viên thường vụ nhiệm kỳ 2010 — 2015 đã tái đắc cử Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2015 — 2020, như: Trần Bắc Hà, Phan Đức Tú, Phan Thị Chinh, Trần Xuân Hoàng, Lê Thị Kim Khuyên, Nguyễn Thanh Sơn.
Thực tế, trong số 11 thành viên Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2015 — 2020 mới chỉ có rất ít người đến thời điểm này đã nghỉ hưu hưởng chế độ (như bà Lê Thị Kim Khuyên), trong khi đa phần vẫn tại nhiệm và nắm giữ những trọng trách tại ngân hàng.
Chưa rõ việc thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV có ảnh hưởng gì tới hoạn lộ của các ủy viên trong Ban Đảng này hay không (?!)…
Theo: Viettimes