Phạm Công Danh đã lợi dụng mối quan hệ với lãnh đạo BIDV và việc BIDV được NHNN giao làm đầu mối triển khai gói "4 nhà" (chủ đầu tư — nhà thầu — nhà cung cấp vật liệu xây dựng — ngân hàng) để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải phóng VLXD.
Đồng thời lợi dụng thoả thuận hợp tác giữa VNCB và BIDV với nội dung: "BIDV ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách ngân hàng của người bán, trên cơ sở VNCB có khách hàng/đối tác tham gia tích cực vào chuỗi liên kết này" để đề nghị BIDV xem xét cấp hạn mức cho vay 12 công ty do VNCB giới thiệu. Đây cũng là 12 công ty do Doanh thành lập.
Nguồn trả nợ là lợi nhuận và doanh thu của phương án kinh doanh, cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cho các dự án đã và đang triển khai thật, có nhu cầu mua VLXD.
Tài sản đảm bảo của 12 khoản vay là các bất động sản ở Đà Nẵng đứng tên các công ty thuộc Thiên Thanh (gồm: 6 lô đất Sân vận động Chi Lăng, đất tại số 209 Trường Chinh, Đà Nẵng) và tiền gửi của VNCB tại BIDV (3.070 tỷ đồng có cam kết duy trì gửi tiền 7 tháng).
Trong đó, 4.000 tỷ được sử dụng để tăng vốn điều lệ và 700 tỷ đồng chuyển lòng vòng để trả nợ vay cũ của Tập đoàn Thiên Thanh (623,5 tỷ đồng gốc và 76,4 tỷ đồng lãi).
Theo kết quả điều tra, số tiền 4.000 tỷ đồng vay từ BIDV được đứng tên 22 cá nhân, là người nhà của Danh và người thân tín tại Thiên Thanh góp vốn đầu tư vào Dự án 302 Tô Hiến Thành, sau đó chuyển nhượng cho 3 công ty của Danh là Phong Hiệp, Quốc Thắng và Đại Long để chuyển về VNCB mua cổ phần tăng thêm.
Như vậy, Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc quyết định chủ trương và chỉ đạo cấp dưới tạo dựng hồ sơ vay vốn, chỉ đạo cấp dưới cầm cố 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh, sau đó dùng để trả nợ thay cho 12 công ty số tiền trên 2.550 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB số tiền hơn 2.550 tỷ đồng.
BIDV sai phạm gì?
Qua quá trình điều tra vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chỉ ra những sai phạm tại BIDV.
Đồng thời, BIDV không yêu cầu khách hàng cung cấp báo cáo tài chính đã được kiểm toán/ quyết toán thuế và không điều tra khách hàng theo quy định của chính BIDV; chấp nhận tài sản đảm bảo gồm bất động sản của bên thứ ba, tiền gửi của VNCB.
BIDV chỉ kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án kinh doanh trên bộ hồ sơ lập khống. Trên thực tế, các công ty vay vốn đều không có hoạt động mua bán VLXD nên không cung cấp được hoá đơn hàng hoá.
Những sai phạm trên dẫn đến BIDV phải thu nợ trước hạn từ nguồn tiền gửi của VNCB dùng để bảo lãnh khoản vay.
Tuy các cá nhân liên quan tại BIDV có các sai phạm như đã nêu ở trên nhưng kết quả giám định về thiệt hại của Đoàn giám định NHNN xác định thiệt hại không xảy ra tại BIDV nên các cá nhân liên quan tại BIDV không phạm tội: Vi phạm về quy định về cho vay của các TCTD.
Kết quả điều tra đến nay chưa đủ căn cứ xác định vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh vì không có tài liệu và chứng cứ về việc các đối tượng này biết các công ty vay vốn tại BIDV là do Phạm Công Danh thành lập. Tài liệu chỉ cho thấy các công ty này là khách hàng của VNCB cần vay vốn theo mô hình 4 nhà nhưng do VNCB đang trong giai đoạn tái cơ cấu không được tăng trưởng tín dụng nên giới thiệu sang BIDV để xem xét cho vay và cam kết trường hợp các công ty không đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ dùng tài sản ngân hàng để bảo lãnh.
Nguồn: BizLive