Tử tù hiến tạng cho y học: Luật không cấm nhưng khó thực hiện!

Các chuyên gia pháp lý cho rằng việc tử hình bằng phương pháp tiêm thuốc độc sẽ khiến cho ước nguyện hiến xác, hiến tạng cho y học của các tử tù khó lòng thực hiện được.
Sputnik

Ngày 9-7, Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê tỉnh An Giang) mức án tử hình về tội giết người, 8 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Trước đó, khi được nói lời sau cùng, Tình bình tĩnh nói lời xin lỗi không thể trả hiếu cho cha mẹ "chỉ vì hành động nhỏ thiếu suy nghĩ con phải trả giá bằng mạng sống của mình" và xin được hiến tạng cho y học.

Vấn đề đặt ra là liệu nguyện vọng được hiến tạng cho y học của các tử tù có thực hiện được hay không?

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM), pháp luật hiện nay không cấm tử tù hiến tạng cho người khác. 

Khoản 3 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định "mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật". Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2016 cũng quy định "người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác".

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thi hành án tử hình đối với các bị án được thực hiện bằng hình thức tiêm thuốc độc. Do đó, khi tiêm thuốc độc vào người thì có thể cơ thể của người đó sẽ không được đảm bảo để hiến tạng, hiến xác nữa, và như vậy quyền này của tử tù sẽ khó được thực thi.

Đẫm nước mắt tại phiên tòa xét xử bị cáo thảm sát 5 người ở Sài Gòn

Chính vì vậy, để có cơ sở pháp lý cho việc hiến mô, bộ phận cơ thể và xác của tử tù và nhằm nâng cao tính nhân đạo, tính hướng thiện của tử tù, cũng như để đảm bảo chất lượng của các mô, bộ phận cơ thể, cần có các quy định đảm bảo việc thi hành án và hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng luật không cấm tử tù hiến xác cho y học. Tuy nhiên nếu thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc như hiện nay thì việc hiến tạng khó thực hiện được. 

Vì muốn hiến tạng, hiến xác thì phải là một cơ thể sạch, phải đảm bảo được các điều kiện khoa học nhất định. Còn khi đã tiêm thuốc độc vào người thì các bộ phận không đảm bảo để hiến tạng, hiến xác nữa.

Bên cạnh đó, mục đích của việc thi hành án tử hình là nhằm trừng trị tội ác mà tử tù đã gây ra. Luật thi hành án hình sự chỉ quy định 1 phương thức tử hình đó là tiêm thuốc độc. Do đó, tử tù không thể hiến tạng trước khi tiêm thuốc độc.

Luật sư Tuấn cho rằng hiến tạng là một ước nguyện mang tính nhân văn, thể hiện sự sám hối, sự hướng thiện của con người trước khi chết nên cần có cơ chế pháp lý tạo điều kiện cho tử tù được thực hiện ước nguyện.

Trước đó, tử tù Nguyễn Hải Dương — thủ phạm thảm sát 6 người trong gia đình người yêu ở tỉnh Bình Phước, cũng từng có nguyện vọng được hiến xác nhưng không được cơ quan chức năng chấp nhận.

Nguồn: tuoi tre

Thảo luận