Phút trước lính TQ còn mời ăn lương khô, phút sau đã dí súng vào đầu chiến sĩ Việt Nam

"Đó là lần đầu tiên có súng chĩa thẳng vào đầu tôi. Lúc đó chúng nói rất to, rất rõ bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Tàu: ‘Mày mà nối dây là tao bắn chết", Hạ sĩ Nguyễn Văn Lục kể.
Sputnik

Hai tháng đầu năm 1988, sau khi chiếm giữ trái phép các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩa (Huy Gơ), Ga Ven và Xu Bi, quân Trung Quốc chuẩn bị mở rộng xâm lấn bằng kế hoạch thôn tính ba bãi cạn Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.

Con trai cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ: Tôi muốn người Mỹ biết rõ về cuộc thảm sát ở Gạc Ma

Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng xuống khu vực quần đảo Trường Sa, đội tàu hoạt động thường trực ở đây không ngừng tăng về số lượng và chủng loại tàu.

Trước tình hình đó, ngày 9/1/1988, Đảng ủy Quân chủng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp và nhận định về tình hình Biển Đông. Một chiến dịch mang mật danh CQ-88 đã được khẩn trương triển khai để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Sáng 14/3/1988, khi các chiến sĩ công binh Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở Gạc Ma thì tàu chiến Trung Quốc ập tới…

Cuộc đổ bộ của lính Trung Quốc

… Đến khoảng 5 giờ 30, quân Trung Quốc bắt đầu xuất hiện. Họ đi trên ba tàu hộ vệ tên lửa tiến lại gần tàu Việt Nam. Lần lượt ba chiếc tàu chiến ở khoảng cách chừng ba trăm — bốn trăm mét, mang số hiệu 502, 503 và 504 áp sát tàu HQ 604.

Ở cự ly rất gần, các chiến sĩ trên tàu HQ 604 đều nhận ra cả ba tàu Trung Quốc đều là tàu chiến, không khí trên tàu phía Việt Nam bắt đầu nóng lên, mọi người ngưng trêu đùa mà tập trung quan sát từng động thái của đối phương.

Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma? Vấn đề sống còn đối với chủ quyền biển đảo Việt Nam
Nhận thấy tình hình căng thẳng, Trung tá Trần Đức Thông bàn với Thượng úy Nguyễn Văn Chương phương án hành động, cuối cùng đi đến thống nhất là phải khẩn trương tập kết tất cả vật liệu lên bãi đá Gạc Ma.

Lợi dụng thời cơ thủy triều xuống, tất cả lính công binh phải vận chuyển cho xong vật liệu lên bãi đá, đề phòng Trung Quốc giở trò cho lính đổ bộ lên xâm chiếm trước.

Trong không khí căng thẳng, để động viên tinh thần cán bộ chiến sĩ, Trung tá Trần Đức Thông hẹn với Thượng úy Nguyễn Văn Chương: "Sau khi chuyển tất cả vật liệu xuống thì chiều tối ta nghỉ ngơi, tôi có chai rượu ngon mời anh em ra để cùng rút kinh nghiệm, cũng như trao đổi nhiệm vụ". 

Tàu Trung Quốc sau khi tới đã lập tức thả ba chiếc xuồng máy, chở năm mươi người tiến vào bãi đá Gạc Ma. Theo quan sát của các chiến sĩ trên bãi cạn, bốn mươi tám lính Trung Quốc được trang bị súng AK bên hông, mang trước ngực một tạp dề và băng đạn, dưới chân còn có dao lê thủ sẵn.

Bộ đội tàu HQ-505 trực bảo vệ chủ quyền trên đảo Cô Lin sang tàu HQ-861 tắm giặt khi tàu này chở thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân ra thăm, tháng 7.1988

Một lính Trung Quốc đi cuối cùng mang bộ đàm sau lưng. Còn viên chỉ huy toán quân có thân hình cao to, cầm súng ngắn trên tay, bước xuống xuồng sau cùng và đứng gần chỗ bộ đội Công binh Việt Nam đang nắm giữ dây cáp.

Thảm sát Gạc Ma: Lời thề của Đại tướng Lê Đức Anh ở Trường Sa năm 1988
Khi đặt chân lên đảo, lính Trung Quốc bắt đầu xé mì gói ra ăn sáng, nói chuyện xì xồ xì xào với nhau và duy trì đội hình vòng cung bao vây xung quanh với khoảng cách xa dần. Binh sĩ Trung Quốc gần nhất lúc này đứng cách các chiến sĩ Việt Nam chỉ tầm một mét rưỡi.

Không khí căng thẳng theo từng bước chân của đối phương dạo quanh bãi đá Gạc Ma. Hạ sĩ Ngô Văn Phúc, thuộc Trung đoàn Công binh 83 đối mặt với người lính Trung Quốc gần nhất, thuật lại:

"Quân địch cũng như bọn tôi vẫn đang ăn lương khô, chúng mời thì tôi từ chối và nói ăn rồi, Việt Nam ăn rồi, no rồi. Lúc đó còn nói nghịch với nhau, vô tư vậy đó". 

Thảm sát ở Gạc Ma 1988: Thế giới cần biết hành động xâm lược tàn bạo của Trung Quốc
Trên bãi đá, mỗi người một tâm trạng. Nhận nhiệm vụ quan sát và đếm tổng số quân Trung Quốc, Trung sĩ Lê Hữu Thảo đưa mắt lướt qua và đếm rất nhanh, thống kê có tất cả năm mươi tám người, ngoài năm mươi người trên bãi đá, còn lại tám người đứng trên ba xuồng máy.

Trong đó, có một chiếc xuồng máy của Trung Quốc được trang bị đại liên chạy vòng quanh tàu HQ 604 và chĩa súng lên tàu khiêu khích. Còn các tàu khu trục đã mở bạt súng, pháo và đều chĩa về phía hai tàu HQ 604 và HQ 505. Quân Trung Quốc liên tục bắc loa kêu gọi bộ đội Việt Nam rời khỏi bãi đá Gạc Ma bằng thứ tiếng Việt lơ lớ.

Linh tính về cuộc giằng co sẽ xảy ra, Trung sĩ Lê Hữu Thảo liên tục rít thuốc, rồi báo cáo tình hình với Trung đội trưởng Nguyễn Mậu Phong về số lượng vũ khí và sự chênh lệch binh lực giữa hai bên. Lê Hữu Thảo e ngại nếu xảy ra tranh chấp giành cờ thì chúng ta có thể sẽ chịu thiệt hại nặng.

Đứng trước tình thế nguy cấp, Trung đội trưởng Nguyễn Mậu Phong bình tĩnh căn dặn các chiến sĩ giữ nguyên vị trí, tiếp tục chốt ở chỗ cột cờ để vừa bảo vệ, vừa quan sát mọi động tĩnh của phía Trung Quốc.

Sự kiện Gạc Ma không phải hải chiến mà là một vụ thảm sát của Trung Quốc
Lệnh của Trung đội trưởng còn chỉ rõ các chiến sĩ được phép tùy cơ ứng biến trên nguyên tắc không được khiêu khích hay tự ý nổ súng trước. Nghe xong chỉ thị, Trung sĩ Lê Hữu Thảo tiếp tục cùng đồng đội Đậu Xuân Tư đấu lưng bảo vệ cờ.

"Lần đầu tiên có súng chĩa thẳng vào đầu tôi"

Trên tàu HQ 604 của Hải quân Việt Nam, khi thấy lính Trung Quốc đã tiếp cận bãi đá, chỉ huy cụm đảo là Trung tá Trần Đức Thông liền ra lệnh cho các thủy thủ và lực lượng công binh ai biết bơi lập tức nhảy khỏi tàu vào hỗ trợ, phối hợp với các đồng đội hình thành tuyến phòng thủ để đối phương không thể tiến lên.

Ngay lập tức có khoảng hai mươi người nhảy vào bãi cạn tiếp trợ. Vẫn mặc nguyên quần cộc, áo lót trên người và không có giáp bảo hộ, hai lính công binh Nguyễn Tuân và Ngô Văn Luận không chần chừ lao nhanh vào bãi Gạc Ma đang nửa nổi nửa chìm.

"Lúc ấy tôi chẳng nghĩ gì nhiều, cứ thế bơi hết tốc lực vào trong bờ để cổ động tinh thần đồng đội" — Ngô Văn Luận kể.

Thảm sát Gạc Ma 1988: Trường Sa, bài học lịch sử bằng máu của Việt Nam trước Trung Quốc
Mặc dù quân địch vẫn hung hăng bao vây, áp sát đảo, lực lượng công binh đang làm nhiệm vụ vận chuyển vẫn kéo xuồng nhôm cấp tốc bốc dỡ nhanh tất cả vật liệu lên bãi đá. Mọi người làm việc trong không khí khẩn trương, căng thẳng.

Khi chuyến xuồng thứ ba đang quay lại tàu để tiếp tục chuyển vật liệu thì xuồng máy Trung Quốc chạy quanh và cắt phăng sợi dây nối. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lục, thuộc Trung đoàn Công binh E83, lúc này đang nắm giữ sợi dây vận tải chuyển hàng từ tàu ra vị trí tập kết liền vươn người theo, lao tới giằng co với lính Trung Quốc để giữ lại sợi dây.

Sau trận hải chiến Gạc Ma, chúng ta đã có nhiều buổi lễ truy điệu 64 liệt sĩ hy sinh anh dũng trong trận chiến này. Trong ảnh là lễ truy điệu ở Cam Ranh, Khánh Hòa.

Cùng với Lục có thêm các chiến sĩ khác là Hạ sĩ Đậu Hồng Biên và Hạ sĩ Lê Thanh Miện hợp sức giằng mạnh sợi dây để đảm bảo lưu thông con đường vận chuyển. Khi Hạ sĩ Nguyễn Văn Lục chạy ra nối dây thì một binh sĩ Trung Quốc rút súng chĩa vào đầu từng người lính công binh đang ra sức phản kháng, giật lại sợi dây và vứt hẳn ra xa.

"Đó là lần đầu tiên có súng chĩa thẳng vào đầu tôi. Lúc đó chúng nói rất to, rất rõ bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Tàu: ‘Mày mà nối dây là tao bắn chết", Hạ sĩ Nguyễn Văn Lục kể. 

Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong chiến dịch Chủ quyền 1988
Hạ sĩ Lê Văn Đông, lúc này đang trên tàu thực hiện nhiệm vụ bốc hàng lên xuồng nhôm, thì phát hiện chiếc xuồng bị thủng. Không một giây đắn đo, Đông nhảy xuống xuồng dùng hết sức khoát nước ra.

Đang hì hục khoát nước thì Đông cảm thấy có mũi súng lạnh toát phía sau lưng. Lúc này, không biết phải làm sao nên anh tiếp tục khoát nước: "Mặc cho chúng kề súng sát người, tôi vẫn tiếp tục khoát nước. Sau nhìn thấy chúng cắt dây và đồng đội mình giằng co kéo lại thì tôi nhảy lên tàu thông báo cho mọi người biết".

Sau khi khống chế được hầu hết lực lượng Công binh Việt Nam, lính Trung Quốc trên xuồng máy đồng loạt chĩa súng lên tàu HQ 604 khiêu khích.

Căng thẳng giữa hai bên dâng lên đến cực điểm, Trung Quốc vẫn không ngừng bắc loa từ trên tàu 502 yêu cầu bộ đội Việt Nam rút lui khỏi bãi đá Gạc Ma, ngưng ngay mọi hành vi bồi đắp đảo và xây dựng nhà trên lãnh thổ của Trung Quốc.

“Mệ đau, nhưng gần 30 năm, mệ cũng hết đau rồi. Chỉ thương hắn xin đi lính thay anh trai là Phạm Hữu Cành, để anh hắn ở nhà giúp cha mẹ làm lụng nuôi các em. Hắn đi, mà giấy báo tử về vẫn đề tên anh hắn”, bà Võ Thị Á, mẹ liệt sỹ Phạm Hữu Tý, Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình chia sẻ về con trai của mình.

Nghe tới đây, Hạ sĩ Đậu Xuân Tư quay sang nói với Trung sĩ Lê Hữu Thảo bằng giọng sôi sục: "Bọn mình bắn bỏ mẹ nó đi Thảo ơi".

Nhớ lời dặn của Trung đội trưởng Nguyễn Mậu Phong trước đó, Thảo trấn an đồng đội hãy bình tĩnh chờ mệnh lệnh, tay vẫn giữ chắc súng phòng trường hợp xấu.

30 năm hải chiến Gạc Ma: Vòng tròn bất tử của dân tộc Việt Nam giữa đạn thù Trung Quốc
Thế nhưng chỉ khoảng năm phút sau câu nói ấy của Thảo, viên chỉ huy cao to vạm vỡ cầm súng ngắn bên phía Trung Quốc liền bắn chỉ thiên mấy phát, tiếng đạn bắn vào không trung chát chúa, rồi khẩu súng rơi xuống. Đồng loạt tất cả năm mươi tên lính Trung Quốc xông vào cướp lấy cờ. Cuộc giằng co giáp lá cà giữa hai bên bắt đầu…

Nội dung bài viết được trích từ cuốn sách "Gạc Ma — Vòng Tròn Bất Tử" do First News thực hiện từ năm 2014 với mục đích kể lại câu chuyện bi tráng về 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì biển đảo Tổ quốc.

Theo: Trí Thức Trẻ

Thảo luận