Nhìn thấy những thầy cô giáo bị bắt tạm giam và bị còng tay trong vụ gian lận điểm thi kì thi Quốc gia 2018, nhiều người thấy thương. Có người còn trách công an có cần thiết phải làm thế không, trách báo chí sao lại đưa hình ảnh như thế…
Đời cần lắm lắm những cảm xúc thương cảm. Nhưng thương cảm không đúng chỗ sẽ dễ trở thành phản cảm.
Bởi đáng được thương nhất trong trường hợp này là đại đa số con em chúng ta — những thí sinh đã đặt hết niềm tin và hy vọng vào sự công minh, trong sáng của các thầy cô coi thi, chấm thi, của cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục.
Tin nên các em mới học ngày học đêm để ý thức rằng chỉ có thi cử bằng chính sức lực của mình mới mong có thể giành lấy tương lai. Chính các em mới là những người bị tổn thương nhất vì bị phản bội niềm tin, bị đánh cắp tương lai bằng sự gian lận của chính những người các em từng tôn kính.
Hãy thương các em trước đã và việc phải làm là trả lại sự công bằng, trong sáng cho các em.
Đáng thương tiếp theo là hàng triệu ông bố bà mẹ đã dồn hết tâm sức cho con học hành thi cử, cố gắng khuyên dạy bao điều hay lẽ đẹp cho con, đau đáu niềm hy vọng về sự công bằng và cả may mắn đối với con. Họ bị tổn thương, phản bội, thấy đau đớn vì là bậc làm cha làm mẹ mà không tạo ra được sự công bằng cho chính con mình.
Tiếp đến nữa, là những người thầy cô giáo chân chính, trong đó có những người phấn đấu cả đời vì nghề nghiệp cao quý, luôn dạy dỗ trò "tôn sư trọng đạo"; những nhà giáo thà nghèo khổ chứ không để mất thanh danh; rồi những thầy cô chấp chịu hàng chục năm, có người cả đời "cắm bản" vùng sâu, vùng xa đói nghèo…
Gian lận thi cử còn làm đáng thương cho cả tương lai đất nước.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Hà Giang, Sơn La không phát hiện ra gian lận thi cử, không khởi tố vụ án, khởi tố bị can với hình ảnh nhiều thầy cô phải tra tay vào còng số 8?
Ai cũng thấy, nếu không bị phát hiện thì gian lận sẽ vẫn tiếp tục diễn ra quy mô hơn, nguy hiểm hơn từ kỳ thi này đến kỳ thi khác, và một xã hội bất công, man trá sẽ hoành hành.
Sự bức xúc, mất niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật và các cơ quan Nhà nước sẽ ngày một dâng cao.
Pháp luật — niềm hy vọng cuối cùng vào sự công bằng, văn minh xã hội cũng sẽ bị gian lận, đánh cắp.
Vậy có nên thương cảm hay phản đối vụ còng tay các bị can nguyên là nhà giáo?
Điều đáng bàn ở đây, văn minh cao nhất là văn minh bằng pháp luật, cốt lõi của pháp luật là sự công bằng.
Ai cũng thuộc câu: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Có nghĩa là bất kỳ ai, khi là công dân hay khi là bị can, bị cáo, bị án thì đều phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thân phận pháp lý của mình.
Pháp luật qui định bị can bị bắt tạm giam phải còng tay, thì không chỉ thầy cô giáo, mà ngay cả Ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí cả người từng được phong danh hiệu Anh hùng…cũng phải còng tay như nhau. Ở nước ngoài, đến nữ Tổng thống cũng vậy mà thôi…
Còn báo chí thì sao, có nên đưa hình ảnh bị can nguyên là nhà giáo bị còng tay?
Pháp luật để phát huy hiệu lực phải đảm bảo các tiêu chí: răn đe, giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa; mọi pháp nhân và cá nhân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tuân theo pháp luật, tuyên truyền, bảo vệ pháp luật, trong đó có báo chí.
Trách báo chí phản ánh, đưa hình ảnh các bị can nguyên là thầy cô giáo bị còng tay trong một vụ án nhức nhối lòng người này vì thế mà càng không trọn lý vẹn tình.
Không thể vin vào cảm xúc thương cảm bi lụy với một vài người để quay lưng với nỗi đau của nhiều người, của tương lai đất nước và toàn xã hội được.
Thương mà như thế thì đúng là "bằng mười phụ nhau"!./.
Nguồn: vov