Đừng để Việt Nam thành bãi rác của thế giới!

Hoạt động nhập khẩu phế liệu vốn đã phức tạp lại càng trở nên nhức nhối sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu từ cuối năm 2017 tới nay.
Sputnik

Theo thống kê của ngành Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng và giá trị phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam gần tương đương của cả năm 2017. Điều đó cho thấy, bên cạnh nhu cầu phế liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, một lượng lớn phế liệu đã tìm đường vào Việt Nam thay cho "bãi đáp" Trung Quốc. 

Kết quả kiểm tra thực tế tại nhiều lô hàng cho thấy, nhiều phế liệu vốn được coi là rác tại các nước kinh tế phát triển, như máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, pin cũ…

Phế liệu từ đâu xuất khẩu nhiều nhất vào Việt Nam?

Số liệu của ngành Hải quan cho biết, trung bình mỗi tháng Việt Nam chi gần 200 triệu USD nhập khẩu phế liệu. Nghĩa là 7 tháng qua, lượng ngoại tệ "chảy" ra nước ngoài để nhập phế liệu, trong đó có một lượng không nhỏ là "rác" khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương hơn 30.000 tỷ đồng. 

Do không đáp ứng được yêu cầu theo quy định hiện hành, một lượng lớn phế liệu buộc phải tái xuất hoặc tiêu huỷ, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội. Chưa kể, nhiều lô hàng này trước đó phải nằm cảng từ vài tháng đến cả năm trời, vừa tốn phí lưu kho bãi cực lớn, vừa gây ách tắc khu vực cảng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, là những hậu quả khôn lường cho môi trường khó đo đếm.

Thực trạng nhức nhối này diễn ra nhiều tháng qua, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm, cũng như chủ động đề xuất giải pháp xử lý tổng thể, hiệu quả. 

Cơ quan Hải quan cho rằng, trách nhiệm cấp phép, công khai danh sách, khối lượng cấp phép cho doanh nghiệp, làm cơ sở cho cơ quan này kiểm soát nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT. Còn phía Bộ này lại đổ trách nhiệm cho các địa phương và… doanh nghiệp!

Số liệu của ngành Hải quan cho biết, trung bình mỗi tháng Việt Nam chi gần 200 triệu USD nhập khẩu phế liệu.

Về phía doanh nghiệp, một số than trời vì bị "vạ lây", đồng thời bức xúc cho rằng, chính sách quản lý hiện hành đang gây khó cho họ. Cụ thể, như thời hạn chờ cấp phép lên tới 40 ngày; doanh nghiệp phải ký quỹ 10-20% giá trị lô hàng trước 15 ngày kể từ ngày thông quan hàng hoá; phải kiểm tra, giám định 100% lô hàng nhập khẩu…

Theo tính toán của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), chi phí cho việc ký quỹ (trả lãi tiền vay) sau khi trừ lãi số dư tiền gửi, lần lượt ở DN có sản lượng thấp nhất hơn 5,3 triệu đồng/tháng, bình quân hơn 13,3 triệu đồng/tháng và cao nhất trên 53,2 triệu đồng/tháng. Tính chung chi phí cho việc ký quỹ của toàn ngành giấy gần 453 triệu đồng/tháng hay gần 5,5 tỷ đồng/năm…

Tương tự, với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phôi và cán thép, 90% nguyên liệu chính phục vụ sản xuất là sắt thép phế liệu nhập khẩu, với số lượng khoảng 1.000 container đến 1.500 container/tháng…

Nghịch lý tự rước vạ đáng sợ: Trung Quốc cấm cửa, Việt Nam vội vơ về

Và như vậy, quy định hiện hành cũng góp phần làm ùn ứ phế liệu nhập khẩu tại cảng, gây tốn phí cho doanh nghiệp cũng như tốn phí cho nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, cần phải thay đổi cách thức quản lý, kiểu sợ "lọt lưới" mà đánh đồng, từ đó "thít" cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thay vào đó, cần nâng cao trách nhiệm rà soát, phân loại doanh nghiệp của cơ quan cấp phép từ Bộ TN&MT đến các địa phương. 

Đồng thời phải nâng cao trách nhiệm trong quá trình cấp phép, công khai danh sách, khối lượng để cộng đồng giám sát, đồng thời giúp các cơ quan chức năng có cơ sở dữ liệu để kiểm tra, kiểm soát. Mặt khác, cần phải xử lý thật nghiêm, có thể cấm hoạt động vĩnh viễn, thậm chí truy tố những doanh nghiệp vi phạm. 

Nguồn: Báo Giao Thông, Công Luận

Thảo luận