Viettel xuất khẩu thành công khí tài phòng không: Bản lĩnh tuyệt vời của CNQP Việt Nam

Những bộ khí tài phòng không hiện đại do Tập đoàn Viettel chế tạo đã tới tay khách hàng nước ngoài đầu tiên, đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của CNQP Việt Nam, theo Thời Đại.
Sputnik

Trong Tạp chí Người Viettel số tháng 5-6/2018 đã cho chúng ta thấy một bất ngờ lớn về bước tiến vượt bậc của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam mà trong đó Tập đoàn Công nghiệp — Viễn thông Quân đội Viettel là mũi nhọn tiên phong.

Vì sao Thiếu tướng Lê Đăng Dũng được chọn làm người đứng đầu Viettel?

Theo đó, Tập đoàn Viettel đã xuất khẩu thành công 3 đài radar cảnh giới 2D sóng mét sang thị trường Lào, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực chế tạo khí tài cảnh giới phòng không hiện đại, không chỉ được Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao mà còn được nước bạn Lào tin tưởng đặt mua.

Thử nghiệm ngặt nghèo

Trước khi bàn giao khí tài radar cảnh giới 2D sóng mét cho nước bạn Lào, các bộ radar do Viettel chế tạo đã phải trải qua quá trình thử nghiệm, nghiệm thu hết sức khắt khe cấp Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Đài radar sóng mét 2D số 1 là bộ khí tài lĩnh ấn tiên phong do vậy, Bộ Quốc phòng đã đánh giá rất kỹ.

Tổ hợp đài VRS-M2D gồm 2 xe, đều đặt trên khung gầm dòng vận tải việt dã 3 cầu chủ động Kamaz-43118, cấu hình 6x6.

Sức mạnh radar chống tàng hình Việt Nam
Các máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam đã được huy động để thực hành các bài bay biên đội có độ phức tạp cao nhằm giả định mục tiêu để radar của Viettel bám bắt, từ đó sẽ đo đạc tham số kỹ chiến thuật một cách chính xác và thực tế nhất.

Việc nghiệm thu thành công cấp Bộ Quốc phòng đài radar sóng mét số 1 là chỗ dựa vững chắc để nhóm đề tài sẵn sàng cho việc nghiệm thu đài radar sóng mét số 2 và số 3 vào tháng 5, 6/2017.

Quá trình nghiệm thu cả 3 đài radar đạt kết quả tốt, các sản phẩm radar sóng mét "Made by Viettel" đã chính thức lên đường "xuất ngoại" sang thị trường nước bạn Lào vào tháng 7/2017.

Bản lĩnh Viettel: Vươn ra thế giới

Không phải Shrike, đây mới là tên lửa chống radar nguy hiểm nhất chiến tranh Việt Nam
Công nghệ chế tạo radar phòng không rất phức tạp, trên thế giới chỉ có một số ít quốc gia làm chủ được nó để thiết kế ra những khí tài cảnh giới hiện đại, tinh xảo.

Trước đây, ít ai nghĩ Việt Nam sẽ làm tự mình chế tạo được radar phòng không tối tân, vậy mà gần đây Viettel và các đơn vị nghiên cứu của Bộ Quốc phòng và Quân chủng PK-KQ đã nghiên cứu thiết kế thành công nhiều loại radar hiện đại như:

— RV-02 do Viện Kỹ thuật Quân sự Phòng không — Không quân phối hợp cùng các đơn vị khác thực hiện.

— Tập đoàn Viettel đã chế tạo thành công 2 dòng radar mới rất hiện hiện đại, gồm tổ hợp đài cảnh giới tầm trung sóng mét VRS-M2D và đài radar bắt thấp VRS-2DM. Trong đó, tuy đài VRS-M2D mới lần đầu tiên xuất hiện tại Triển lãm Thành tựu KT — XH 2015 nhưng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách thăm quan.

Tháp anten sử dụng cơ cấu nâng hạ thủy lực tiến tiến, giúp triển khai và thu hồi nhanh chóng

— Radar định vị mục tiêu thụ động RTh do Viện radar, Viện KH&CN Quân sự — Bộ Quốc phòng cùng phối hợp chế tạo.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Viettel xuất khẩu radar ra nước ngoài và khách hàng đầu tiên chính là nước bạn Lào với hợp đồng đặt mua 3 đài radar sóng mét tầm trung VRS-M2D, đánh dấu một bước phát triển mới của Viettel nói riêng và của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói chung.

Việt Nam chế tạo thành công radar cảnh giới mới
Tính năng kỹ chiến thuật cụ thể của đài radar sóng mét tầm trung không được công bố chi tiết bởi liên quan tới bí mật quân sự, song chúng ta có thể thấy được ở loại radar này những điểm cách tân mang tính đột phá về mặt thẩm mỹ công nghiệp và nhất là đáp ứng được yêu cầu tác chiến phòng không hiện đại.

Thứ nhất, có thời gian triển khai, thu hồi cực nhanh nhờ thiết kế gọn gàng, cả xe chỉ huy điều khiển lẫn xe mang antenna bố trí vừa vặn trên khung gầm 2 xe vận tải quân sự 3 cầu chủ động (6x6) do hãng Kamaz nổi tiếng của Nga chế tạo, giảm 1 nửa so với 4 xe của tổ hợp radar P-18 do Liên Xô chế tạo.

Tháp antenna tự hành hoàn toàn sử dụng hệ thống điều khiển thủy lực nên giàn anten có thể tự gập lại và xếp gọn dọc sàn xe do vậy rút ngắn được đáng kể thời gian triển khai, thu hồi so với 45 phút của radar P-18 nguyên bản. Đồng thời, việc sử dụng cáp quang để truyền tín hiệu giúp nâng cao tốc độ đường truyền và ổn định dữ liệu.

Thứ hai, khả năng kháng nhiễu tốt nhờ có thêm 4 anten phụ, bố trí phía dưới giàn anten chính, chuyên làm nhiệm vụ thu phát kháng chế áp điện tử (ECCM). Các anten này phát xung khử phần rìa xung chính khi chuyển xung nhằm tránh bị gây nhiễu thụ động và định vị vị trí.

Thứ ba, đài radar đã được nhiệt đới hóa triệt để và có hệ thống điều hòa không khí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kíp trắc thủ trong quá trình vận hành, hạn chế được tác động của khí hậu nóng, ẩm.

Viettel xây tường lửa quốc gia, giám sát an ninh mạng 24/7
Chắc chắn một điều rằng, tính năng của radar sóng mét tầm trung do Viettel chế tạo có tính năng vượt trội hơn rất nhiều so với những hệ thống radar P-18 do Liên Xô phát triển từ những năm 1970 vốn chỉ có tầm trinh sát lên tới 300km, độ cao tối đa 35km mà thôi.

Hy vọng, từ đơn hàng xuất khẩu đầu tiên này sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói chung và với Tập đoàn Viettel nói riêng.

Qua đó, "phát pháo mở màn" mỹ mãn này tạo đà cho những hợp đồng tiếp theo tới tấp bay về để những khí tài phòng không hiện đại "Made in Vietnam" và "Made by Viettel" bay cao, bay xa hơn nữa ra khắp thế giới.

Một lần nữa xin được chúc mừng và xin được bày tỏ lòng cảm phục đối với bản lĩnh, sự sáng tạo và tri thức khoa học tuyệt vời của những người lính — những nhà sáng chế Viettel.

Thảo luận