Dự án tiếp tục, cơ hội nào?
Ngày 9/8, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), cho biết, dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (gọi tắt là dự án giai đoạn 2 — PV) vẫn đang án binh bất động để chờ cơ chế.
Trước đó, vào tháng 9/2017, Tổng thầu MCC của Trung Quốc đã gửi đến TISCO văn bản kèm theo báo giá với chi phí hơn 136,89 triệu USD (tức hơn 3.121 tỷ đồng) thực hiện hoàn thành toàn bộ công việc còn lại của dự án theo hình thức EPC. Tuy nhiên, do chưa có chỉ đạo cụ thể của các cấp có thẩm quyền nên TISCO chưa triển khai đàm phán báo giá với MCC.
"Dự án bị vướng mắc từ những năm trước. MCC vẫn thiện chí vì họ rất trách nhiệm với việc làm của mình, bất cứ lúc nào có thể tái khởi động dự án MCC sẽ chung tay thực hiện. Quan trọng là phải có vốn và phải có cơ chế để Hội đồng quản trị của TISCO tự quyết định, cả hai điều căn bản này đều chưa có.
Chừng nào có định hướng về cơ chế, lúc ấy, MCC tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 2 hay nhà thầu khác làm sẽ thỏa thuận sau.
Riêng với MCC, như đã nói, nếu phía mình có yêu cầu họ vẫn sẵn sàng đáp ứng. Nhưng giờ chưa có đường hướng gì thì TISCO cũng chẳng biết bàn với họ làm gì. Chừng nào có tài chính, hai bên mới có thể ngồi lại với nhau để xem xét mức giá nào cho hợp lý", ông Hoàng Ngọc Diệp chia sẻ.
"Dĩ nhiên chúng tôi phải cố gắng để đạt hiệu quả cao nhất cho Nhà nước. Muốn vậy, phải công khai, minh bạch quá trình thoái vốn", ông khẳng định.
Ông Diệp chia sẻ, tiến độ là vấn đề sống còn của TISCO. Cá nhân ông và ban lãnh đạo TISCO đều rất sốt ruột vì cơ hội để kêu gọi đầu tư không phải là dài, thị trường thép mỗi năm ra hàng triệu tấn, cạnh tranh rất gay gắt. Nếu để càng lâu thì sức hấp dẫn của doanh nghiệp càng giảm, chi phí càng tăng, dẫn tới tổng mức đầu tư tăng, giảm hiệu quả để có thể hấp dẫn nhà đầu tư.
Nếu không thực hiện thoái vốn sớm, chỉ chừng 1 năm nữa, thị trường đã định hình đầy đủ, nhà đầu tư sẽ không quan tâm nữa. Lúc ấy, nếu có bán vốn nhà nước tại TISCO thì cũng là bán giá rẻ, mất tiền vốn của nhà nước. Trường hợp xấu hơn, nhà đầu tư không còn quan tâm, công ty phá sản.
"Chúng tôi không xin vay. Vay để làm gì khi dự án chưa có cơ chế thoái vốn? Nếu có chăng trong phương án dự kiến muốn tái khởi động dự án giai đoạn 2 trở lại thóaphải cần bao nhiêu tiền thực hiện dự án.
Chúng tôi cũng không xin khoanh nợ, giãn nợ vì nó nằm trong phương án cách đây 3 năm, giờ vẫn nguyên bản như thế. Mấy năm nay dự án có làm gì đâu mà xin tái cơ cấu, vay tiền?!
Các ngân hàng đã bỏ vốn vào TISCO cũng đang chờ đợi phương án cụ thể của dự án giai đoạn 2.
Mặt khác, khi đã có phương án xử lý dự án giai đoạn 2 cụ thể rồi mới tính toán được dự án cần bao nhiêu tiền nữa, bao giờ khởi động, bao giờ xong. Lúc ấy có nhu cầu vốn mới ngồi với ngân hàng để xem doanh nghiệp có bao nhiêu, cần bao nhiêu cho dự án, ngân hàng tài trợ bao nhiêu. Đó là quy trình thông thường.
Cơ hội vẫn rất tốt đẹp cho TISCO nếu làm đúng bài, làm sao thoái vốn thành công, thực hiện tiếp dự án giai đoạn 2. Như vậy, ngân hàng không mất vốn, Nhà nước không mất vốn, đặc biệt là cuộc sống an sinh của hàng vạn con người được đảm bảo", ông Diệp khẳng định.
Đừng tính "cua trong lỗ"
Ông thẳng thắn, có thể lãnh đạo TISCO cho rằng khi giữ được dự án thì bộ máy lãnh đạo sẽ còn, quyền lợi của họ được đảm bảo nhưng nhìn vào thực tế, liệu có thể tin rằng dự án giai đoạn 2 sẽ có thể vận hành trơn tru và ra được sản phẩm cạnh tranh với thị trường?
"Dự án giai đoạn 2 đã kéo dài 10 năm, giả sử đi vào sản xuất thì nền tảng công nghệ đã lạc hậu dẫn tới năng suất kém, làm sao có thể có đứng được trên thị trường đang dư thừa sản phẩm và phải cạnh tranh quyết liệt?
Phải tính toán chuyện đó chứ không phải cứ nghĩ chạy được dự án, đi vào sản xuất thì sẽ bán được sản phẩm, có ngay tiền để trả nợ ngân hàng, nuôi cán bộ công nhân… Như vậy khác nào tính "cua trong lỗ".
Chưa kể, nếu tiếp tục dự án, Nhà nước lại phải chịu trách nhiệm với TISCO, lại tốn thêm tiền", ông Thịnh nói.
Sự cân nhắc, tính toán của Chính phủ, theo ông Thịnh, là có thể hiểu được bởi Chính phủ đã quán triệt quan điểm không đổ thêm tiền ngân sách vào những dự án kém hiệu quả. Trước đó, Nhà nước đã đổ vào dự án giai đoạn 2 của TISCO số vốn rất lớn, thị trường thép lại đang rất phức tạp trong điều kiện thuế cao, cạnh tranh khốc liệt, nếu tiếp tục dự án, khi đi vào sản xuất không cạnh tranh được, lại thua lỗ, lúc ấy ai chịu trách nhiệm?
"TISCO cứ nói thế nhưng giờ có cho doanh nghiệp bán liệu có bán được không? Bán vốn không hề đơn giản. Để có được hiệu quả thực sự, quyết định cuối cùng vẫn phải chờ phương án trong kế hoạch xử lý tổng thể các dự án yếu kém mà Chính phủ đã nêu tên", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Hiểu sự cân nhắc thiệt hơn của những người có trách nhiệm nhưng ở góc độ quan điểm cá nhân, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần phải dứt khoát. Đối với những dự án cảm thấy không thể cứu vãn được, thà rằng chấp nhận lỗ để bán sớm đi, thu hồi được một phần vốn cho Nhà nước, còn hơn cứ tiếp tục dây dưa, cuối cùng lại mất nhiều hơn.
"Với hiệu quả, công suất hiện nay chắc chắn không thể có chuyện bán được với giá cao. Nếu cố tiếp tục dự án giai đoạn 2 để đưa vào sản xuất, sản phẩm cũng không bán được, không cạnh tranh được trên thị trường, lỗ chồng lỗ thì sản xuất để làm gì? Vậy nên, thà một lần đau còn hơn để lỗ năm này sang năm khác, không thể tư duy theo kiểu trót đâm lao thì phải theo lao", ông Thịnh chỉ rõ.