Nhà máy đóng tàu Dung Quất sẽ được bán
Trường hợp bán không thành công PVN sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản.
PVN đề nghị Hội đồng thành viên của Tập đoàn sẽ được ủy quyền quyết định toàn bộ vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện phương án được duyệt.
Đồng thời kiến nghị có cơ chế giao cho Nhà máy đóng tàu Dung Quất thực hiện các công việc khi PVN và các đơn vị trong tập đoàn này có nhu cầu, đảm bảo đời sống, việc làm và ổn định tư tưởng, tâm lý cho cán bộ, nhân viên.
Trong văn bản gửi đến Bộ Công thương về tình hình xử lý các nhà máy thua lỗ, yếu kém, PVN đề nghị Bộ chủ quản sớm có văn bản kiến nghị Thủ tướng giao Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toàn hồ sơ đối với tàu 104.000 DWT để xác định giá trị bàn giao nhằm xử lý dứt điểm việc bàn giao.
Đồng thời thực hiện quyết toán hợp đồng EPC trên cơ sở kiểm toán, kiểm định thiết bị của hợp đồng, từ đó sớm thống nhất được phương án thuê tư vấn.
Điều đáng chú ý là đề xuất này được đưa ra sau nhiều năm PVN tiếp nhận nhà máy đóng tàu Dung Quất từ Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC), tên cũ là Vinashin, và đã đầu tư trên 5.000 tỉ đồng để nỗ lực cứu nhà máy.
Thậm chí, ngay khi nhận Nhà máy đóng tàu Dung Quất thì PVN còn cam kết là có thể phục hồi sản xuất, gắn với một loạt các kiến nghị về cơ chế tài chính.
Với khoản nợ lên đến hàng nghìn tỉ đồng cùng vốn chủ sở hữu bị âm, nhà máy đóng tàu Dung Quất hiện đang sản xuất khá cầm chừng, hầu như không có khách hàng mới.
Bộ Công thương thậm chí đã từng đưa ra đánh giá, với tình hình tài chính hiện nay Nhà máy đóng tàu Dung Quất đã lâm vào tình trạng phá sản.
Tái khởi động nhà máy nhiên liệu sinh học và xơ sợi
Tại nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ, PVN cho biết đã làm việc với đối tác nước ngoài để cùng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, một trong số các đối tác là Fortrec cho biết cần xin lại thủ tục phê duyệt phương án trước khi có trả lời chính thức.
HIện nay PVN và các đơn vị liên quan đang thực hiện công việc kiểm tra toàn bộ hệ thống điện và tự động hóa của nhà máy để lập kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng, chuẩn bị khởi động lại nhà máy.
Công tác định giá tài sản, chuẩn bị phương án chuyển nhượng hoặc phá sản trong trường hợp không tái khởi động được nhà máy, cũng đang được PVN triển khai.
Đồng thời PVN đang thuê luật sư tư vấn, hỗ trợ để xử lý tranh chấp hợp đồng EPC.
Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước dự kiến sẽ khởi động lại ngay trong năm 2017 và có sản phẩm từ đầu năm 2018, tuy nhiên hiện các cổ đông vẫn chưa thống nhất.
Hiện nhà máy này cũng đã lên kế hoạch hợp tác với Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành, nhưng còn một số vướng mắc về khắc phục hệ thống xử lý nước thải và tỉ lệ chia lợi nhuận.
Vấn đề hợp tác với Công ty Tùng Lâm cũng được bàn luận đến nhưng chủ yếu là tư vấn hỗ trợ.
Việc vận hành trở lại vẫn chủ yếu dựa vào các cổ đông, tự góp thêm vốn bổ sung, dự kiến năm 2017 là 27,29 tỉ đồng và năm 2018 91,84 tỉ đồng.
Tuy vậy, hiện các cổ đông vẫn chưa có ý kiến về phương án này.
Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước hiện cũng đang tính toán phương án tái khởi động từ đầu năm 2018 và đã làm việc với công ty Tùng Lâm để có giải pháp tiết giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, PVOil, một thành viên của PVN, cũng đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Thẩm định giá Miền Nam thực hiện thẩm định giá trị, đến nay đã có kết quả thẩm định sơ bộ và sớm hoàn thành việc định giá.
Phương án thoái vốn cũng như phương án xử lý khác nếu như thoái vốn không thành công cũng đã được PVOil tính toán để trình cấp có thẩm quyền xem xét trước ngày 31-8-2017.
Trong khi đó, dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ cũng sẽ tính đến việc khởi động trở lại. Hiện PVN đã đã làm việc với nhóm nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Sơn.
Tuy nhiên, công tác định giá tài sản để làm phương án chuyển nhượng/thoái vốn cũng đang được thực hiện đồng thời.
Nguồn: Tuổi Trẻ