Trong "Bình luận kinh tế" hàng tuần của mình công bố trên trang mạng thepeninsulaqatar.com ngày 12/8, Ngân hàng Trung ương Qatar (QNB) đã nhận định rằng "con hổ" mới nhất của châu Á hiện nay là Việt Nam khi quốc gia Đông Nam Á đang nổi lên thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo phân tích của QNB, một loạt các chỉ số cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang bùng nổ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là mức tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế này kể từ năm 2011.
Ngành tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm nay là công nghiệp chế tạo với sản lượng tăng 13,1%. Sự bùng nổ trong ngành công nghiệp chế tạo cũng khiến xuất khẩu tăng vọt.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với mức 17% của cả năm 2017.
QNB đánh giá thành công về công nghiệp chế tạo và xuất khẩu đạt được là nhờ khả năng của Việt Nam trong việc thu hút các dòng vốn lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực như may mặc, giày dép và nhất là điện tử.
Theo số liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam năm 2017 trị giá khoảng 220 tỷ USD.
QNB khẳng định sự thành công về kinh tế của Việt Nam là đáng chú ý bởi điều này diễn ra vào thời điểm nhiều nền kinh tế đang phát triển phải vật lộn để bắt kịp với sự thành công của những "con hổ" trước đây của châu Á như Singapore hay Hàn Quốc.
Theo nhận định của QNB, nền tảng cho sự thành công trên chủ yếu xuất phát từ cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi, sự ổn định chính trị cũng như vị trí địa lý của Việt Nam…
Cụ thể, có 3 yếu tố đặc biệt quan trọng. Thứ nhất là Việt Nam đã hăng hái theo đuổi tự do hóa thương mại trên cả hai phương diện song phương và đa phương.
Các hiệp định thương mại làm giảm đáng kể những loại thuế quan mà các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt, giúp hội nhập Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy hơn nữa đầu tư FDI.
Thứ hai, đầu tư của Việt Nam vào vốn nhân lực, tức là giáo dục, giúp Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng nhân khẩu học của mình.
Nổi bật là Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kiểm tra các học sinh trung học về toán, khoa học và các môn học khác, đã xếp Việt Nam ở mức thứ 8 trong số 72 nước tham gia, trước nhiều nền kinh tế hàng đầu của OECD.
Tuy nhiên, các nhà phân tích QNB cũng lưu ý bản chất sự thành công của Việt Nam cũng có thể sẽ khiến Việt Nam dễ bị tổn thương và phải đối mặt với những thách thức trong tương lai.
FDI vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dệt may và điện tử. Số công ăn việc làm được tạo ra từ đầu tư FDI có xu hướng chỉ cần lao động có tay nghề thấp, hưởng mức lương tương đối thấp với ít giá trị gia tăng.
Điều này khiến Việt Nam bị đẩy vào tình thế dễ bị ảnh hưởng trước cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngắn hạn.
Về lâu dài, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam có thể bị sụt giảm khi bước lên nấc thang phát triển với mức lương và mức sống được cải thiện.
Điểm số PISA cao cho thấy Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu một cách dễ dàng hơn so với hầu hết các thị trường mới nổi. Triển vọng tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực dịch vụ cũng khá sáng lạn với ngành du lịch là một ứng cử viên hàng đầu có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Theo QNB, với các số liệu mới nhất cho thấy lượng khách du lịch trong tháng Sáu tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước, động cơ tăng trưởng này đang góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam trở nên mạnh mẽ và đạt được thành công.