Việt Nam cần các nhà ngoại giao có bản lĩnh

Luật chơi của quan hệ đối ngoại đòi hỏi các cán bộ đối ngoại có tính sáng tạo, chủ động nhưng phải có bản lĩnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, VOV cho biết.
Sputnik

Ngoại giao chính trị là mẫu số bao trùm các kênh ngoại giao

Chia sẻ về vai trò của đối ngoại chính trị trong tình hình mới, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn  bên lề Hội nghị Ngoại giao 30 đang diễn ra tại Hà Nội cho biết, trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi chúng ta vẫn phải có đánh giá tình hình và chủ động hơn rất nhiều.

Ngoại giao văn hóa, thể thao góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã chỉ ra một số điểm quan trọng trong tình hình hiện nay. Cụ thể, thứ nhất, đây là thời điểm sự thay đổi chiến lược, điều chỉnh chính sách đối ngoại của các nước, đặc biệt là các nước lớn diễn ra nhanh chóng, phức tạp, có nhiều điểm khó lường, đòi hỏi các nước phải đánh giá rất đúng và có những chính sách phù hợp.

Thứ hai, vị thế của Việt Nam sau 30 năm đổi mới, cùng với những chủ trương đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa dạng hóa quan hệ quốc tế là rất đúng đắn, đồng thời đã phát huy được mặt tích cực trong quan hệ đối ngoại,quan hệ với nhiều nước trên thế giới, chủ động hội nhập cả về chính trị, kinh tế, tạo cho đất nước vị thế nhưng cũng đặt yêu cầu về nhiệm vụ cao hơn nhiều.

Đại sứ Phạm Quang Vinh

3 trụ cột ngoại giao Việt Nam
Thứ ba, luật chơi của quan hệ đối ngoại đòi hỏi nhiều hơn nữa các cán bộ đối ngoại làm sao triển khai một cách vừa sáng tạo, vừa hiệu quả, chủ động nhưng phải có bản lĩnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc để thực hiện đường lối đổi mới của đại hội XII cũng như chủ trương đối ngoại của Đảng và Chính phủ.

Cuối cùng là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, đặt ra thời cơ song cũng cả những thách thức mới nếu không nắm bắt kịp.

Ông Phạm Quang Vinh kết luận: "Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng, ngoại giao chính trị là mẫu số bao trùm của những kênh ngoại giao khác để tạo ra những định hướng đối ngoại lớn, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước vào chiều sâu và mở rộng, đặc biệt là các nước lớn và các nước láng giềng và khu vực cũng như khai thác được những thời cơ và cơ hội cho đất nước, phán đoán được đúng tình hình và ứng xử cho tốt những thách thức đặt ra. Từ đó duy trì được những lợi ích tối cao của chúng ta là lợi ích quốc gia đảm bảo môi trường hòa bình ổn định, phát triển và bảo vệ Tổ quốc".

Ngoại giao đa phương cần tích cực và chủ động

Tổng Bí thư: “Bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc và tôn trọng luật pháp quốc tế”
Theo ông Phạm Quang Vinh, Việt Nam đã có bề dày tham gia ngoại giao đa phương trong những thập kỷ gần đây, và đã từng bước tham gia không chỉ tích cực và chủ động hơn trong các hoạt động mà còn tham gia vào định hình và xây dựng những luật lệ, quy tắc ứng xử trên thế giới và ở khu vực.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhấn mạnh:

"Đây là thuận lợi rất cơ bản của chúng ta. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải nhìn thấy điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là các nước lớn đang tác động không nhỏ tới điều chỉnh luật chơi và phương thức hoạt động của các tổ chức quốc tế, đa phương, nhất là xuất hiện một số xu hướng như coi trọng hướng nội, coi trọng bảo hộ nhiều hơn.

Khai mạc Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 30 tại Hà Nội
Trong tình hình đó, thứ nhất, chúng ta cần chủ động, tích cực hội nhập trên tất cả các lĩnh vực đặc biệt là trong ngoại giao đa phương. Thứ hai, không chỉ tích cực tham gia mà còn phải chủ động tham gia vào kiến tạo những quy tắc, luật lệ quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như lợi ích quốc gia, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế tạo môi trường cho chúng ta. Thứ ba, tham gia ngoại giao đa phương góp phần nâng cao vị thế, tạo động lực làm sâu sắc hơn quan hệ của chúng ta với các nước khác. Cuối cùng là tranh thủ được nguồn lực quốc tế và đào tạo cán bộ".

Ông Phạm Quang Vinh cũng lưu ý, Việt Nam đang có một loạt nhiệm vụ quan trọng sắp tới, trong đó có việc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, vận động để ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Việt Nam đã có thành tựu được các nước đánh giá cao thông qua việc tổ chức thành công APEC 2017. Với những gì đã có, Việt Nam đã có bước đà tốt nhưng trong bối cảnh với nhiều thách thức mới như hiện nay, đòi hỏi chúng ta vẫn phải đánh giá và chủ động hơn rất nhiều.

Thảo luận