Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020, đã có những trao đổi với phóng viên báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đang diễn ra tại Hà Nội.
Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, kênh ngoại giao luôn có 2 chiều. Thứ nhất, là các nhà ngoại giao đi phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Nhưng ngược lại, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và địa phương cũng đóng vai trò như các nhà ngoại giao để quảng bá cho Việt Nam trong thời đại số hiện nay. Đây là một điểm rất mới mà có thể nói là trong suốt chặng đường ngoại giao vừa qua chưa bao giờ có và thế giới cũng chưa bao giờ làm. Chủ thể tham gia ngoại giao và công chúng tham gia ngoại giao rất đa dạng và đông đảo hơn.
Bà Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh 3 trụ cột chính trong công tác đối ngoại của Việt Nam, giữa bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có thêm những chuyển biến phức tạp.
Chính trị
"Chúng ta đang ở giai đoạn không chỉ chuyển đổi nhanh chóng, sâu sắc mà có thể nói là một bước ngoặt toàn bộ của cục diện thế giới, của các quan hệ và cả sức mạnh của các nước. Và tình hình đang thay đổi mạnh mẽ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Đây là sự thay đổi căn bản do tác động của công nghệ số, của sự vươn lên mạnh mẽ của châu Á và toàn cầu hóa. 3 nhân tố này diễn ra đồng thời. Ngoại giao chính trị đang ở chu kỳ phát triển mới của thế giới, cho nên đặt ra nhu cầu rất lớn cho ngành ngoại giao và các cán bộ ngoại giao tại Hội nghị lần này, để làm thế nào tận dụng được chu kỳ phát triển mới này làm lợi cho đất nước", Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhận định.
Đồng hành hiện nay không chỉ các lực lượng làm đối ngoại mà còn có ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng, ngoại giao Quốc hội, đặc biệt là ngoại giao nhân dân. Theo đó, cần phải có sự tham gia, phát huy của các giới, các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên và phụ nữ, để tạo nên sức mạnh năng động của thời đại hiện nay.
Kinh tế
"Đó là động lực lớn và chúng ta phải nắm lấy cơ hội đó. Khi nhìn thấy xu thế lớn, chúng ta phải nắm bắt, nhưng đồng thời chúng ta cũng có thách thức. Đây là thách thức chung của các quốc gia. Cho nên, chúng ta phải chuyển đổi một cách tất yếu. Nhưng chuyển đổi đó phải được nhìn là cơ hội cho chúng ta đi lên hơn nữa", Đại sứ nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Nguyệt Nga cũng khẳng định rằng, ngoại giao kinh tế-phát triển có nghĩa là trong kinh tế phải lấy phát triển, phát triển bền vững và bao trùm làm trọng tâm. "Chúng ta phải chủ động nắm bắt, đón đầu xu thế".
Văn hóa
"Ngoại giao văn hóa còn có điểm mới là chúng ta đưa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, nhưng sự quảng bá này không chỉ gói gọn là Việt Nam, chúng ta còn đem cả ASEAN tới bè bạn quốc tế. Chúng ta phải nói đến cộng đồng ASEAN vì mục đích xây dựng văn hóa và bản sắc của ASEAN. Đây là điều rất quan trọng với chúng ta khi đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020", Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh.
Theo Đại sứ, cầu nối của Việt Nam trong ngoại giao văn hóa không chỉ có các doanh nghiệp, những địa phương… mà còn có thế hệ trẻ, để đưa hình ảnh mới về Việt Nam năng động, phát triển ra thế giới. Trong đó, có nhiều bạn trẻ đang được đào tạo học tập ở nước ngoài đang đảm nhận vai trò là cầu nối bạn bè thế giới với Việt Nam và họ có thể là những nhà lãnh đạo trong tương lai.