Đặng Lê Nguyên Vũ và cuộc gặp hiếm hoi với phóng viên Mỹ 5 năm trước

Nhà làm phim, nhiếp ảnh gia Catherine Karnow là một trong số ít những phóng viên nước ngoài tiếp cận được với ông chủ Trung Nguyên vào năm 2012. Trong con mắt Karnow, Đặng Lê Nguyên Vũ khi đó toát lên thần thái của một nhà tiên tri, với tình yêu và niềm tin bất tận vào ý chí và sự tốt lành của con người, Trí thức trẻ cho biết.
Sputnik

Bài báo của Catherine Karnow ghi chép những nhận định của bà về vua cà phê Việt đã đăng trên trang National Geographic từ tháng 2/2012. Đây cũng là một trong số ít các ký giả nước ngoài được tiếp cận trực tiếp ông Đặng Lê Nguyên Vũ ở thời điểm trước khi ông gần như ở ẩn suốt 5 năm trên núi M'Drak.

Hoang mang với Đặng Lê Nguyên Vũ: Bí ẩn ở M'Drăk

Đặng Lê Nguyên Vũ tiếp Catherine Karnow trong văn phòng với một ly espresso hảo hạng. Sau câu chuyện ngắn trao đổi, ấn tượng về nữ nhà báo đã dành 21 năm chụp ảnh và quay phim tại Việt Nam lớn đến mức ông Vũ đã mời bà tới trang trại của mình trong vòng 3 ngày. Trước thời điểm đó, Đặng Lê Nguyên Vũ thường từ chối chụp hình, và những tấm ảnh quý giá mà Catherine Karnow có được ở M'Drak (Đắk Lắk) là tư liệu hình hiếm hoi truyền thông trong nước có được về ông chủ Trung Nguyên từ năm 2012-2017.

Một tuần sau cuộc gặp ở TP HCM, Catherine Karnow đặt chân đến vùng cao nguyên sương mù ngát xanh của Tây Nguyên, trong ngôi nhà "rất dài, xây dựng theo phong cách của người dân địa phương và được trang trí bằng những đồ vật kỳ lạ", nghe Đặng Lê Nguyên Vũ nói về khát khao thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới thông qua cà phê.

Đặng Lê Nguyên Vũ: "Qua đâu có tâm thần!"
Khi đó, Trung Nguyên dưới sự điều hành của ông Vũ và vợ đang là công ty cà phê thành công nhất Việt Nam: có cửa hàng ở mọi ngóc ngách, giàu có nhờ xuất khẩu, cùng vị thế là doanh nghiệp chủ nhà của quốc gia sản xuất cà phê hạt lớn thứ hai thế giới.

Dành nhiều thời gian nói chuyện bên chiếc bàn gỗ trầy xước trong gian nhà có phần cổ kính, Catherine Karnow nhận ra Đặng Lê Nguyên Vũ sống rất giản dị, đặc biệt nếu so với thân phận một triệu phú của ông khi đó. "Nội thất nơi ông ở quá đơn giản, tới mức khổ hạnh".

Trong suốt hai ngày hai đêm, ông Vũ hút xì gà rất nhiều, hết điếu này đến điếu khác, đắm mình trong âm nhạc cổ điển. Ông giãi bày trong nỗi buồn bã khắc khoải về tương lai của người Việt cùng tình yêu với quê hương đất nước.

"Có lẽ bà đang tự hỏi vì sao tôi không có tóc? Đó là vì căng thẳng, tôi không hề ngủ", ông nói. "Người Việt đang quá thụ động, họ chỉ làm những gì được bảo, trong khi con người chính là nguồn lực lớn nhất của đất nước này. Chúng tôi có năng lực thay đổi thế giới, chỉ là chúng tôi chưa biết cách thể hiện nó và ghi danh trên bản đồ thế giới".

Cơ nghiệp nghìn tỷ của Trung Nguyên ở Singapore lần đầu được hé lộ
Chìa khóa để thay đổi, ông nhấn mạnh, chính là làm cho họ "thức dậy". Nhưng khi được hỏi về kế hoạch của mình, ông lại lặng im không đáp.

Cho đến ngày cuối cùng Catherine Karnow lưu lại, trước sự tha thiết từ phía nhà báo này, rốt cuộc, với đôi mắt nheo lại, khoác trên mình bộ áo quần rộng bằng vải thô màu trắng, mang hình ảnh như một vị tiên tri, ông nghiêng người về phía trước và nói với bà về tầm nhìn của mình.

"Những cửa hàng cà phê của tôi sẽ là nơi tập hợp những người trẻ có ý chí, để họ trao đổi các ý tưởng thông qua trò chuyện, biểu diễn, nghệ thuật, hội thảo, bài giảng.

Sẽ có những người giỏi đến giảng cho họ, để họ thức dậy, được chứng ngộ và được truyền cảm hứng để sáng tạo, để mang lại thay đổi cho đất nước này".

Trong cơn mưa đang vỗ nhẹ trên mái nhà, bên những tàu ngựa Ả rập trắng xóa thấp thoáng phía xa, Catherine Karnow nhận ra một Đặng lê Nguyên Vũ với tầm nhìn sáng rõ và niềm tin mãnh liệt vào người Việt.

"Chẳng có gì thay đổi được ý chí ấy, sự bất khuất ấy, và không thể nghi ngờ việc ông Vũ sẽ thực hiện niềm khát khao của mình, dù phải tốn bao nhiêu tiền đi chăng nữa", bà kết lại trong bài báo của mình.

Thảo luận