Biển Đông

Trung Quốc tức giận vì tàu chiến Anh tiến gần Hoàng Sa

Khi tàu Hải quân Anh thực hiện quyền tự do hàng hải trong khu vực và tiến gần khu vực quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, Bắc Kinh đã điều tàu ra đối phó, Zing trích Reuters đưa tin.
Sputnik

Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết HMS Albion, tàu đổ bộ 22.000 tấn của Hải quân Hoàng gia Anh, đi qua quần đảo Hoàng Sa vài ngày trước. Albion lúc đó đang trên đường tới Thành phố Hồ Chí Minh sau các hoạt động tại Nhật Bản.

Theo nguồn tin, Bắc Kinh đã điều động một tàu khu trục và hai trực thăng để đối phó với tàu chiến Anh. Tuy nhiên, không có xung đột nào xảy ra giữa hai bên.

"Tàu HMS Albion đã thực thi quyền tự do đi lại đúng theo luật lệ quốc tế", phát ngôn viên của Hải quân Anh khẳng định.

Theo Reuters, nguồn tin cho biết Albion không đi vào vùng biển xung quanh các đảo có tranh chấp, nhưng nói thêm rằng Anh không công nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Tàu tấn công Hải quân Anh thăm cảng Sài Gòn, khẳng định cam kết với châu Á
Tàu HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh do đại tá Tim Neild chỉ huy đã cập cảng Sài Gòn, TP.HCM, vào sáng 3/9. Đón tiếp đoàn là đại tá Nguyễn Anh Tuấn, phó tư lệnh Vùng 2 Hải Quân, và đại diện Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng; Bộ tư lệnh Quân khu 7, Sở Ngoại vụ TP.HCM…

Trao đổi với Zing, đại tá Neild cho biết chuyến thăm lần này của tàu HMS Albion là một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn của hải quân Anh trong năm 2018 đối với khu vực châu Á — Thái Bình Dương, nằm trong cam kết của Anh nhằm xây dựng hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực.

Trước đây, Hải quân Mỹ từng tiến hành hoạt động duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông. Động thái của Anh diễn ra trong bối cảnh Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện những hoạt động tương tự.

Theo ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông, Trung Quốc sẽ "khó chịu bởi điều này cho thấy các đồng minh của Mỹ đang hồi đáp lời kêu gọi từ Washington".

Hải quân Anh trước đây từng tới sát quần đảo Trường Sa nhiều lần. Tuy nhiên, các tàu không tiến vào khu vực giới hạn 12 hải lý quanh các đảo. Hồi tháng 4, tàu chiến Australia đã có cuộc chạm trán với tàu Trung Quốc trên Biển Đông.

Bắc Kinh bồi lấp trái phép và ngang nhiên tuyên rằng có "quyền chính đáng" xây dựng các "cơ sở dân sự" trên các đảo tại Biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, là một trong những vùng lãnh thổ đang bị Trung Quốc đóng chiếm trái phép.

Gần đây, Trung Quốc lấy cớ các đợt tuần tra bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ là động thái quân sự hóa làm leo thang căng thẳng trong khu vực nhằm biện minh cho sự gia tăng quân sự của nước này ở Biển Đông.

Thảo luận