Tham gia buổi họp báo với các đồng chủ tọa Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) sáng nay (12/9), Quyền Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông — Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ về ý tưởng "Một ASEAN thống nhất". Toàn bộ phần chia sẻ với báo chí được ông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày bằng Tiếng Anh.
Nhận xét chủ đề năm nay rất thú vị, liên quan đến quản lý công nghệ trong ASEAN, Cách mạng Công nghiệp Lần thứ 4 và khởi nghiệp, ông Hùng cho rằng đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ các câu chuyện, các trường hợp điển hình, kinh nghiệm, và đặc biệt là ý tưởng mới, sáng kiến mới cho ASEAN.
Tới diễn đàn lần này, Quyền Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông mang đến 3 sáng kiến vì một ASEAN thống nhất. Đây là những sáng kiến mở và sẽ được trao đổi thêm tại diễn đàn.
Sáng kiến đầu tiên ông Hùng nhấn mạnh về một ASEAN phẳng, không có khoảng cách về địa lý để tất cả mọi người cùng cảm nhận đây là ngôi nhà của mình. Thứ hai là thiết lập một Đại học Công nghệ Thông tin — Truyền thông (ICT) ASEAN.
"Trong Cách mạng Công nghiệp Lần thứ 4, điều quan trọng nhất là kỹ năng cho tương lai, kỹ năng ICT", ông cho biết.
"Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào Internet. Sự thịnh vượng của chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, Internet không an toàn. Vì vậy, điều quan trọng nhất với chúng ta trong tương lai là an ninh mạng", Quyền Bộ trưởng giải thích.
Trước câu hỏi về sự ảnh hưởng như thế nào từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Hùng cho rằng tương lai sẽ không còn phụ thuộc quá nhiều vào quá khứ. Cuộc cách mạng này sẽ như một "điểm đột phá", khiến con đường đi từ quá khứ đến tương lai sẽ thay đổi. "Với những quốc gia đang phát triển, chúng ta sẽ có ít gánh nặng hơn, và từ đó sẽ đi nhanh hơn", ông nói, đồng thời cũng đánh giá, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ, mà lớn hơn nữa sẽ là cuộc cách mạng về chính sách. Những quốc gia chưa phát triển lắm, với khung pháp lý chưa đủ mạnh, có thể linh hoạt hơn trong việc thử nghiệm mô hình kinh doanh mới, những chính sách mới để tiếp cận những công nghệ mới.
"Và tôi nghĩ rằng, những quốc gia đang phát triển sẽ có nhiều thay đổi nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", ông Hùng kết luận.
Chủ tịch CIMB — Nazir Razak cho biết: "Chúng tôi muốn diễn đàn năm nay tạo ra sự khác biệt và định hướng cho ASEAN. Các nước cần chuẩn bị, thích ứng với 4.0, đưa các vấn đề về khởi nghiệp, sáng tạo vào chương trình nghị sự của ASEAN".
Ông Kevin Sneader — lãnh đạo McKinsey & Company Hong Kong muốn ASEAN tìm ra cách giải quyết cho các vấn đề liên quan đến 4.0, như sự thay đổi về việc làm, kỹ năng, bất bình đẳng giới và hạ tầng. Bộ trưởng Tài chính Indonesia — Sri Mulyani Indrawati thì kết luận các nước cần bàn cách làm thế nào tận dụng lợi thế của kỷ nguyên 4.0. Tăng hội nhập nội khối sẽ đảm bảo mọi quốc gia, mọi người dân sẽ được hưởng lợi. "ASEAN đoàn kết lại sẽ phát triển rất mạnh".